Những năm đầu sau tách huyện, trong cơ cấu kinh tế của Sông Lô, ngành nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn; công nghiệp và thương mại dịch vụ chưa thực sự phát triển; cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đời sống của người dân còn khó khăn. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, chính quyền các cấp trong huyện đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông - lâm nghiệp, từng bước nâng cao giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Theo đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung vào một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả với nhiều giống cây, con cho giá trị kinh tế, gắn với các khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy các thế mạnh về đất đai, khí hậu mang tính đặc trưng của vùng, miền. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tăng cường liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các dịch vụ tư vấn về lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản cho nông dân... Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng như: Mô hình nuôi lợn nái ở các xã Lãng Công, Hải Lựu, Nhân Đạo, Đồng Quế; mô hình nuôi rắn ở xã Bạch Lưu... Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Cao Phong hiện đang là hướng đi mang lại lợi nhuận khá ổn định cho nhân dân địa phương, với hơn 400 hộ chăn nuôi, tổng đàn bò trên địa bàn trên 2.000 con, mức thu nhập bình quân đạt hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Mô hình nuôi cá lồng trên sông tại một số xã: Bạch Lưu, Tứ Yên, Đức Bác và Cao Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân trên địa bàn. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện có sự chuyển dịch đúng hướng, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,05%.
Song song với nhiệm vụ phát triển KT - XH, Sông Lô đã có những bước đột phá, chú trọng đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, chăm lo sức khỏe tại chỗ cho người dân. Từ chỗ được xem là “vùng trũng” của giáo dục, đến nay, mạng lưới giáo dục trên địa bàn được quy hoạch và phát triển. Đến nay, huyện đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, bậc tiểu học, đồng thời phát huy hiệu quả một số Trung tâm học tập cộng đồng (xã Yên Thạch, Lãng Công). Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân có nhiều đổi mới, 100% Trạm y tế xã có phòng hộ sinh, thực hiện khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, 100% thôn có nhân viên y tế hoạt động hiệu quả. Các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục- thể thao quần chúng trên địa bàn được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Với 12 trung tâm văn hóa xã, 168 nhà văn hóa thôn đã và đang phát huy hiệu quả sử dụng, góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân tại các địa phương. Bên cạnh đó, với mục tiêu từng bước cải thiện chất lượng môi trường sống, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, trong những năm qua, công tác thu gom xử lý chất thải, nước thải được chính quyền các cấp trong huyện quan tâm. Toàn huyện có 8 công trình cấp nước tập trung, 15/16 bãi rác thải tập trung, 16/16 xã có HTX dịch vụ môi trường duy trì thường xuyên công tác thu gom rác thải, góp phần hạn chế tình trạng quá tải tại các bãi rác thải tập trung ở một số địa phương trong huyện.
Mặc dù vậy, các xã trên địa bàn huyện Sông Lô vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình định hướng phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như triển khai nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản lên xuống thất thường, tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân, ảnh hưởng đến việc đầu tư tái sản xuất, doanh thu và đời sống của người dân. Hiệu quả, chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại tuyến xã vẫn còn hạn chế do số lượng cán bộ ngành Y tế có trình độ chuyên môn chưa thực sự đáp ứng so với nhu cầu thực tế; tỷ lệ các ca bệnh chuyển tuyến còn cao...
Trong những năm tới, các cấp chính quyền huyện Sông Lô sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhân rộng các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo Ngọc Lan/Vĩnh Phúc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã