Theo xu hướng chung, việc ứng dụng mô hình kinh tế mới là bước đi đúng, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào cây lúa của người ND. Hội ND xã An Hòa đã vận động hội viên thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi và thu được nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Nhựt Thảo, người đại diện cho Tổ hợp tác trồng nấm xã An Hòa cho biết: “Thời điểm đầu vận động bà con làm quen với cây nấm bào ngư rất khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của Hội ND huyện Châu Thành, Hội ND xã An Hòa và Trạm Khuyến nông huyện đã vận động được 5 hộ áp dụng mô hình này với số lượng 1.000-2.000 bịch phôi/hộ. Dù chưa nắm vững kỹ thuật sản xuất nhưng bà con rất nhiệt tâm và cố gắng theo đuổi mô hình”.
Nhằm hỗ trợ ND phát triển mô hình, Hội ND huyện Châu Thành phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm bào ngư, giới thiệu những cơ sở sản xuất phôi nấm tốt như: Công ty Tiến Dũng (TP. Long Xuyên) hay Trại thực nghiệm Khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) để ND lựa chọn. Đồng thời, Hội ND huyện còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành cho ND vay vốn với mức 10-30 triệu đồng/hộ để phát triển mô hình. Ông Nguyễn Văn Rô, Tổ phó Tổ hợp tác trồng nấm xã An Hòa chia sẻ: “Với sự hỗ trợ từ Hội ND huyện, Hội ND xã và ngành chuyên môn, chúng tôi đã mạnh dạn áp dụng mô hình. Đến nay, tổ có 10 thành viên tham gia trồng nấm, mỗi hộ canh tác từ 2.000-5.000 bịch phôi với chu kỳ sản xuất 3-4 tháng/đợt. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ nấm bào ngư của bà con trong tổ khá ổn định, có đầu mối thu mua tận nhà với giá khoảng 30.000-35.000 đồng/kg”.
Theo tính toán của ông Rô, nếu ND trồng 5.000 bịch phôi và bán với mức giá 30.000 đồng/kg, mỗi chu kỳ sản xuất sẽ thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Với những ND không có nhiều đất canh tác, đây là cách cải thiện thu nhập rất hiệu quả. “Nhiều thành viên trong tổ vừa có thể trồng lúa, vừa có thể trồng nấm. Cán bộ kỹ thuật địa phương thường xuyên theo dõi, hỗ trợ để bà con yên tâm gắn bó với mô hình. Mục tiêu của thành viên trong tổ là kiếm thêm đầu ra ổn định để mở rộng mô hình trong thời gian tới” - ông Rô cho hay.
Ngoài nấm rơm, nấm bào ngư, các thành viên trong tổ hợp tác còn “làm quen” với cây nấm linh chi. Nấm linh chi là loại nấm có dược tính cao nên thị trường tiêu thụ khá lớn. Tuy nhiên, đầu ra cho loại nấm này vẫn chưa ổn định. “Chúng tôi mong các cấp, các ngành chuyên môn hỗ trợ để đảm bảo đầu ra cho cây nấm linh chi. Về kỹ thuật, chúng tôi có thể đảm bảo nhưng đầu ra vẫn còn thụ động, nếu có nguồn thu ổn định cho nấm linh chi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”- ông Nguyễn Nhựt Thảo phân tích.
Bên cạnh đó, chất lượng phôi giống cũng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của các thành viên trong tổ. Do đó, các đơn vị cung cấp giống cần nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn phôi khỏe, giảm tỷ lệ hao hụt để các ND trong Tổ hợp tác sản xuất nấm xã An Hòa đạt lợi nhuận như mong đợi. “Chúng tôi mong rằng sẽ được Hội ND các cấp và ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ để mô hình này có điều kiện phát triển tốt hơn nữa. Với những tín hiệu khả quan, chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì, phát triển mô hình, góp phần nâng cao đời sống của các thành viên Tổ hợp tác trồng nấm xã An Hòa trong thời gian tới” - ông Nguyễn Nhựt Thảo xác định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã