Có năm, thanh long dội hàng, rớt giá và chỉ còn trên dưới 5.000 đ/kg. Riêng năm nay, thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được bán với giá khá cao; còn hàng kém chất lượng được một số thương lái, điểm bán lẻ mua về bán rẻ cho người tiêu dùng.
Thanh long giá rẻ là hàng kém chất lượng
Hiện nay, dọc tuyến QL1 và QL50 qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, mọi người dễ dàng bắt gặp cảnh thanh long bày bán và trưng bảng giá 2.000 đ/kg. Tuy nhiên, đây là hàng “dạt” nên mới bán giá như vậy cho người tiêu dùng. Sáng 27-7, chúng tôi ghé điểm bán thanh long ở ven QL1 (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), chủ vựa thanh long ra mời chào mua thanh long.
Chủ vựa thanh long trên QL50 lựa thanh long bán cho người tiêu dùng. |
Khi hỏi vì sao treo bảng 2.000 đ/kg mà bán nhiều giá khác nhau, ông Lê Hoài Nam (chủ vựa thanh long), cho biết: “Chúng tôi treo bảng để bắt mắt người đi đường. Khi ghé lại, đúng là có bán thanh long 2.000 đ/kg. Nhưng nhiều người chê trái nhỏ, không ngon… thì mua các loại thanh long khác. Chẳng lẽ, ghé xe rồi bỏ đi, cũng phải mua vài ký về làm quà chứ”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn QL1 qua xã Long Định (huyện Châu Thành), có trên 10 điểm trưng bảng bán thanh long với giá 2.000 đ/kg. Các loại thanh long bán dọc theo tuyến này được vận chuyển từ huyện Chợ Gạo và Tân Phước (2 địa phương trồng nhiều thanh long nhất của Tiền Giang) về đây bán cho người tiêu dùng. Còn tại tuyến QL50 thuộc xã Song Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), chúng tôi ghi nhận có trên 8 điểm bày bán thanh long với giá 2.000 đ/kg.
Một chủ cửa hàng tên Thanh nói: “Thanh long 2.000 đ/kg là loại “bèo” của các vựa, hợp tác xã, doanh nghiệp mua tại vườn để mang về đây bán kiếm lời chút đỉnh thôi. Theo tìm hiểu, chủ của các điểm treo bảng bán thanh long 2.000đ/kg là họ mua thanh long kém chất lượng của các vựa, hợp tác xã, doanh nghiệp đóng gói thanh long xuất khẩu chỉ với giá trên dưới 1.000 đ/kg. Sau đó, họ phân loại thanh long nào coi đẹp thì bán với giá 4.000-12.000 đ/kg (tùy loại), còn thanh long xấu thì bán với giá 2.000 đ/kg.
Hàng đạt tiêu chuẩn, giá vẫn “hot”
Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, HTX đang thu mua thanh long xô của xã viên và người dân trồng thanh long trong huyện với giá 10.000đ/kg (ruột trắng) và 18.000-19.000đ/kg (ruột đỏ, ruột tím).
“Năm nay, giá thanh long ổn định ở mức cao. Bởi, đây là mùa thuận, nông dân không tốn chi phí chăm sóc, phân thuốc, cũng như xông đèn. Với giá trên 10.000 đ/kg, nông dân trồng thanh long lãi trên 30 triệu đồng/ha” - ông Thiện cho biết.
Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là đơn vị xuất khẩu thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang. Mỗi ngày, công ty này thu mua của người dân 200-300 tấn thanh long các loại.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty cho biết, đang thu mua thanh long loại xô của người trồng theo tiêu chuẩn GAP với giá 5.000-12.000 đ/kg (ruột trắng), 20.000-30.000 đ/kg (ruột đỏ và tím). Với giá này, nông dân lãi khá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Hóa, quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang hiện có trên 6.000 ha thanh long các loại, tập trung nhiều nhất là huyện Chợ Gạo và Tân Phước.
Vào mùa thuận, đa số diện tích đều cho trái đồng loạt nên sản lượng rất lớn. Những năm trước đây, giá thanh long mùa thuận, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ 3.000-5.000 đ/kg; còn năm nay, giá thanh long dao động 6.000-12.000 đ/kg (ruột trắng) và 20.000-30.000 đ/kg (ruột đỏ, ruột tím) nên nông dân lãi rất cao.
Tại buổi làm việc mới đây với Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu ngành Nông nghiệp của tỉnh này phải tập trung phát triển cây thanh long. Tuy giá cả không ổn định nhưng nông dân trồng thanh long lãi gấp 3-4 lần trồng lúa. Nhiều nhà tường, nhà lầu mọc lên từ cây thanh long.
Tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt đề án phát triển cây thanh long đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, diện tích trồng thanh long khoảng 7.000 - 8.300ha, diện tích thu hoạch khoảng 5.800 - 6.800ha, năng suất bình quân từ 26-27 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 170.000 - 200.000 tấn. Đến năm 2025, diện tích trồng thanh long từ 9.000 - 11.000ha, diện tích thu hoạch đạt 7.900 - 9.500 ha; năng suất bình quân từ 28-30 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 235.000 - 285.000 tấn. Tỷ lệ thanh long xuất khẩu chiếm 70 - 80% sản lượng. Trong đó, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc… khoảng 40%. Kim ngạch xuất khẩu chính ngạch đến năm 2020 đạt khoảng 100 triệu USD và đến năm 2025 đạt trên 150 triệu USD. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã