Mô hình nuôi cá lóc giúp nhiều thanh niên có thu nhập cao.
Đầu năm 2014, THT nuôi cá lóc được thành lập, ban đầu chỉ có vài thành viên tập hợp nhau lại để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi cá lóc thương phẩm. Dần dần, thấy được hiệu quả của mô hình, các thanh niên khác cũng xin gia nhập. Đến nay, THT đã có hơn 10 thành viên, diện tích nuôi cá trên 5ha. Anh Phan Văn Long, Tổ trưởng THT chăn nuôi cá lóc, cho biết: “Tùy theo diện tích lớn hay nhỏ mà các thành viên sẽ đầu tư nuôi hợp lý. Sau khi thả nuôi khoảng 6 tháng là có thể thu hoạch, nếu giá thị trường đảm bảo từ 35.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi sẽ có lãi. Trung bình mỗi ao có diện tích từ 400m2, cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm”.
Sau khi tham gia THT, anh Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Phú Lợi B, đã học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi đạt hiệu quả cao. “Gia đình tôi đang nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm, loài cá này có khả năng chịu đựng tốt với điều kiện thời tiết, môi trường. Tham gia vào THT, tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm. Đầu ra cho sản phẩm luôn đảm bảo nên hiệu quả kinh tế khá cao. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng nhờ nuôi cá lóc”, anh Phong chia sẻ.
Hiện, toàn xã Phú Thuận B có khoảng 120ha ao nuôi cá lóc (cả ương nuôi cá lóc giống và nuôi cá lóc thương phẩm) với hơn 500 hộ tham gia. Thức ăn cho cá lóc chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của bà con vẫn là tiêu thụ sản phẩm. Hiện, THT chưa thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, chủ yếu bán cho thương lái trong tỉnh và khu vực lân cận để xuất đi Campuchia. Mặc khác, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp làm tỷ lệ hao hụt cao vào những thời điểm giao mùa cũng khiến thu nhập của bà con bị ảnh hưởng.
Anh Nguyễn Hồng Ngọc ở ấp Phú Lợi B, cho biết: “Hiện, gia đình tôi nuôi 4 ao với diện tích từ 300 - 800m2, nếu giá cá lóc ổn định và tỷ lệ hao hụt ít thì mỗi năm có thể thu lãi từ 200 triệu đồng. Điều đáng lo ngại là, các thành viên trong THT thiếu kinh nghiệm trong phòng và điều trị bệnh trên cá lóc nên đạt hiệu quả chưa như mong muốn, đầu ra chưa ổn định nên bà con chưa yên tâm sản xuất”.
Chỉ tính riêng THT nuôi cá lóc thương phẩm của Đoàn Thanh niên xã Phú Thuận B đã có thể cung ứng ra thị trường từ 200-300 tấn cá lóc thương phẩm/năm; mỗi năm nuôi 2 vụ, trừ chi phí, mỗi thành viên trong THT đều thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Theo đánh giá, dù còn nhiều khó khăn nhưng THT chăn nuôi cá lóc thương phẩm của Đoàn Thanh niên xã Phú Thuận B đã góp phần giải quyết tốt việc làm, giúp đoàn viên thanh niên xóa đói giảm nghèo, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Anh Dương Hoàng Phong, Phó bí thư Đoàn Thanh niên huyện Hồng Ngự, cho biết: “Thời gian tới, huyện Đoàn sẽ giúp THT chăn nuôi cá lóc thành tổ kinh tế hợp tác của thanh niên, mở rộng số lượng thành viên tham gia và diện tích chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sẽ phối hợp với Trạm thủy sản huyện mở các lớp tập huấn phòng và điều trị bệnh trên cá lóc, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giúp thanh niên phát triển và mở rộng mô hình chăn nuôi”.
Chí Trung
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã