Kết nối các hộ trồng cam
Năm 2013, 17 thành viên của Câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên, huyện Đầm Hà được vay 500 triệu đồng Quỹ HTND để đầu tư trồng 15ha diện tích cam, chanh. Mỗi hộ vay từ 25 – 30 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án là 36 tháng (tháng 8.2014 - 8.2017).
Ông Hoàng Trung Tuyến – Chủ tịch Hội ND xã Dực Yên cho biết, Dực Yên là xã trung du miền núi, có tiềm năng lợi thế trong trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Trước đây, bà con chủ yếu là trồng vải, nhãn. Hiện, các loại cây trồng này đã già cỗi, nhiều sâu bệnh, năng suất thấp. Trước tình hình đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã cải tạo lại vườn cây ăn quả, thay thế bằng cam, chanh.
“Trồng cam, chanh rất vất vả. Bên cạnh đòi hỏi người trồng am hiểu kỹ thuật thì cũng cần vốn đầu tư lớn. Để hỗ trợ ND, Hội nông dân xã Dực Yên đã xây dựng dự án: “Cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả cam, chanh”, được Trung ương Hội ủy thác 500 triệu nguồn vốn vay Quỹ HTND để thực hiện dự án” – ông Tuyến thông tin.
Anh Cao Văn Thắng là thành viên CLB Nông trang và được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng để trồng 1ha cam. Anh Thắng phấn khởi nói: “Cây cam rất khó tính, yêu cầu kỹ thuật cao. Phần đông nông dân chúng tôi mới trồng cam lần đầu nên gặp nhiều bỡ ngỡ. Thông qua dự án vay vốn Quỹ HTND trồng cam, các thành viên CLB đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.
Tập trung vốn cho nông sản chủ lực
Theo thống kê của Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2015-2017, Quỹ HTND các cấp đã luân chuyển cho gần 1.400 lượt hộ vay qua 106 dự án với số tiền 33,9 tỷ đồng, giúp nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng được mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tiêu biểu như: Mô hình trồng cam V2 tại xã Quảng Thành (huyện Hải Hà); dự án mở rộng diện tích trồng cam Canh, bưởi Diễn xã Thủy An (TX Đông Triều) hay mô hình trồng cây dong riềng (huyện Bình Liêu); mô hình trồng cây vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí), mô hình trồng cam (huyện Vân Đồn)…
Ông Bùi Minh Thanh, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hầu hết các dự án, mô hình sản xuất được phê duyệt, hỗ trợ đều gắn với chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP)”.
Theo đó, Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh, việc giải ngân vốn và triển khai các dự án đều đúng tiến độ, giúp nhiều hộ nông dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên mức vay trung bình cho dự án, mô hình sản xuất chỉ ở mức 500-600 triệu đồng/dự án; 60-90 triệu đồng/hộ, trong khi đó thời gian vay không quá 36 tháng nên gây hạn chế trong đầu tư phát triển sản xuất.
Theo Đức Thịnh/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã