Người dân Tương Dương xem cây chanh leo là hướng đi phát triển kinh tế mới.
Nhận thấy rõ giá trị của cây chanh leo, chính quyền huyện Tương Dương – một huyện biên giới xứ Nghệ đã quyết định chọn cây này làm nòng cốt để phát triển kinh tế. Qua 1 năm bén đất, cây chanh leo đã mang lại thu nhập cho người dân, thay đổi cuộc sống từ những bản làng biên giới.
Điển hình như gia đình ông Và Ga Xua - dân tộc Mông sống tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, vào năm 2017, chỉ với 1,5ha chanh leo, gia đình ông đã thu được gần 80 triệu đồng. Những thành quả đạt được từ cây chanh leo mang lại cho gia đình nhiều điều kiện để ổn định cuộc sống.
Những năm trước đây, nhắc đến các xã vùng biên giới như Nhôn Mai, Mai Sơn của huyện Tương Dương là người ta nghĩ tới đói nghèo, lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Ngay cả ruộng lúa cũng chỉ làm 1 vụ/năm, còn lại bỏ hoang.
Đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú nơi đây chỉ biết dựa vào rừng là chủ yếu, nên tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng biên này luôn duy trì ở mức 60% trở lên. Năm 2016, với quyết tâm thay đổi diện mạo, giảm nghèo ở các địa phương, Nhôn Mai là xã được chọn làm nơi thí điểm trồng cây chanh leo đầu tiên của huyện Tương Dương với hơn 20ha.
Mặc dù ban đầu có rất nhiều hoài nghi về tỷ lệ thành công của loại cây này, nhưng bằng hướng đi mới trong việc liên kết chuỗi giá trị từ trồng cho đến đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là đặc tính phù hợp của chanh leo với khí hậu, thổ nhưỡng đã mang đến cho người dân hướng phát triển kinh tế mới và khẳng định đây là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã Nhôn Mai. Điều đó được thể hiện qua số diện tích tăng dần từng năm, từ 20ha năm 2016 tăng lên 121ha năm 2018, sản lượng đạt từ 600-800 tấn/năm, mang lại thu nhập cho người dân bình quân từ 60-100 triệu đồng/năm/hộ.
Bà Lô Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai khẳng định: “Bà con xã nơi đây rất tin tưởng vào cây chanh leo vừa mang lại năng suất cao, vừa cho thu nhập khá. Trong năm 2018, chúng tôi mở rộng thêm hơn 50ha và xem đây là cây chủ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương”.
Bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện Tương Dương còn hỗ trợ cho nhân dân về giống, phân bón, vật tư, kỹ thuật trồng chanh leo cho nhân dân. Tuy nhiên, đây là cách làm bước đầu, bởi vì để thực hiện được mô hình chanh leo, huyện Tương Dương đã đầu tư hàng tỷ đồng, vận dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn, từ các chương trình dự án khác nhau, do đó trong thời gian tiếp theo huyện Tương Dương sẽ dần dần chuyển giao kỹ thuật, để cho người dân tự làm chủ vườn chanh leo của mình.
Ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ: Năm nay bà con đăng ký trồng rất nhiều, bây giờ chúng tôi lại lo vì sợ không đủ tiền để mua giống. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, vấn đề mở rộng chanh leo đang còn một số khó khăn, nhất là nguồn hỗ trợ vốn bởi lâu nay huyện đang lồng ghép với các chương trình dự án khác nhau như 135, 30a….
“Để thực hiện mục tiêu của huyện Tương Dương là phải trồng 230ha vào năm 2020 thì phải cần trên 10 tỷ đồng nữa. Trong khi tỉnh chỉ hỗ trợ rất ít, như năm 2018 này là 1 tỷ đồng, mà nhân dân thì đăng ký trồng rất nhiều, nên vấn đề bây giờ là phải nhanh chóng chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân” - ông Ót cho biết.
Theo Điền Bắc/Báo Đại Đoàn kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã