Ông Nguyễn Đức Thanh đang chăm sóc vườn sầu riêng trĩu trái. Ảnh: Khánh Phúc.
Ông Thanh tâm sự: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động vất vả mà vợ chồng tôi phải đánh đổi không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt”. Cách đây 8 năm về trước, gia đình ông thuộc diện khó khăn của địa phương, với gần 2 ha đất chủ yếu trồng mía để xóa đói, giảm nghèo nhưng rơi vào lúc “được mùa, mất giá”, người trồng mía ở Đạ Tẻh lâm vào cảnh lao đao. Trước tình cảnh “dở khóc, dở cười” vì cây mía, ông Thanh đã mạnh dạn phá bỏ chuyển đổi qua trồng sầu riêng với hy vọng đưa kinh tế gia đình đi lên.
“Ông ấy chặt bỏ 1 ha mía và mua hơn 100 cây sầu riêng giống Ri6 của Thái Lan về trồng. Ngày ấy, tôi khóc hết nước mắt vì tiếc vườn mía đang đến kỳ cho thu hoạch...” - bà Hoàng Thị Hương vợ ông Thanh nhớ lại. Ông Thanh cho biết thêm: “Thấy tôi chặt bỏ cây mía, hàng xóm bảo tôi “khùng”, nhưng tôi vẫn không thay đổi quyết định. Sau khi đi nhiều nơi tìm hiểu, tôi thấy sầu riêng là “vua” của các loại trái cây và đây là lý do tôi không ngần ngại chọn cây này”.
Sau 4 năm trồng và chăm sóc, vườn sầu riêng của gia đình bắt đầu cho trái bói, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên hơn 100 cây (1 ha) của ông Thanh năng suất mang lại không cao. Sau đó, ông tự tìm đến các vườn sầu riêng ở huyện Đạ Huoai để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, từ đó, nhờ áp dụng tốt nên vườn sầu riêng nhà ông cây nào cũng cho trái sai, chất lượng tốt và năng suất cao.
Để rồi vụ sầu riêng năm 2015, 1 ha sầu riêng của ông Thanh cho sản lượng hơn 10 tấn và mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng, năm 2016 tăng lên 15 tấn và năm 2017 ước đạt trên 25 tấn, trong khi cả vùng thất bát.
Ông Thanh phấn khởi cho hay: “Thu xong vụ sầu riêng năm 2015 giúp tôi trả hết nợ nần. Còn vụ sầu riêng năm 2016, tôi đã xây được căn nhà mới hơn 600 triệu đồng. Riêng vụ năm 2017 này, với giá bán như hiện nay, sẽ mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng”.
Ông Thanh chia sẻ, để cây sầu riêng nhanh lại sức sau khi thu hoạch, cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã bị cây hấp thụ hết. Việc bón phân là quan trọng nhất, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Thông thường, mỗi năm chia làm 3 đợt bón tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Trước khi bón nên dùng cuốc xới nhẹ quanh tán cây, tránh làm tổn thương cho rễ hoặc đào rãnh xung quanh theo tán cây, sau đó bón phân và lấp đất lại...
Hiện tại, ngoài vườn sâu riêng 1 ha cho thu hoạch năm thứ 3, ông Thanh đã đầu tư trồng mới thêm gần 1,5 ha; trong đó, có 7 sào đã cho trái bói. Ông Ngô Văn Tố, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm khẳng định: “Ông Thanh là một trong những nông dân của xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Từ mô hình sầu riêng của ông Thanh, đến nay, toàn xã đã có gần 20 hộ chuyển đổi trồng sầu riêng, với diện tích hơn 30 ha. Để giúp bà con trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật lẫn nhau, xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng sầu riêng và thu hút 14 hộ tham gia”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã