Xuất thân từ quê lúa Thái Bình, theo gia đình lên làm kinh tế mới ở Văn Chấn từ năm 1974, với ý chí, nghị lực không cam chịu đói nghèo, ông Nguyễn Đức Long, thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã vươn lên thành hộ giàu với mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp với trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Long cho rằng, việc mình nuôi thêm 1.000 con thỏ đã tận dụng được mặt bằng, đất đai, lao động và thời gian làm việc. Qua đó, tăng thêm nguồn thu nhập của gia đình ông lên hơn 400 triệu đồng/năm.
Trồng cây, nuôi con đều là đặc sản
Chúng tôi cùng cán bộ Hội Nông dân huyện Văn Chấn đến thăm gia đình ông Long trong những ngày đầu tháng 3.
Ngôi nhà xây khang trang của ông hiện ra giữa một vườn cây ăn quả. Dừng tay chăm sóc đàn thỏ, ông mời chúng tôi uống nước rồi kể chuyện về ngày đầu khởi nghiệp. Thực hiện chủ trương của Nhà nước về di dân lên vùng kinh tế mới năm 1974, bố mẹ ông đã dắt díu con cái lên đây để lập nghiệp khi ông mới hơn 10 tuổi.
Ngày ấy, trong mắt ông chưa định hình được việc gì, chỉ biết nơi đây toàn là rừng cây rậm rạp, hoang vu, chưa có điện. Hàng ngày theo cha mẹ đi phát rừng trồng cấy lương thực, tuổi thơ nghèo khó đã cho ông nhiều nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Đến khi lập gia đình và ra ở riêng, ông được bố mẹ cho vài sào ruộng, ít đồi gò để làm ăn. Cứ thế, hai vợ chồng ông không quản sớm hôm, mưa nắng, chăm chỉ mùa nào thức ấy. Khi đã có thêm chút vốn liếng, ông mua lại đồi rừng của những hộ xung quanh để mở rộng diện tích canh tác.
Đến năm 2002, sau khi tham quan ở xã Cát Thịnh, thấy việc nuôi ba ba đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, gom nhặt vốn liếng của gia đình và vay thêm 5 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, ông mua 30 con ba ba giống và thuê 100 m2 ao nuôi của người dân trong thôn để nuôi thử nghiệm.
Vừa nuôi vừa mày mò, học hỏi kinh nghiệm của những hộ đi trước, vậy là những con ba ba giống cứ thế phát triển dần lên 100 con, rồi 200 con ba ba bố mẹ.
Nuôi ba ba, trong đó có giống ba ba gai là 1 trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả của nhiều hộ nông dân xã Nghĩa Tâm, trong đó có gia đình ông Long.
Thấy việc nuôi ba ba hiệu quả cao, năm 2009, ông Long lại tiếp tục đầu tư mở rộng bằng việc mua lại một số ao để mở rộng quy mô nuôi lên 1.000 m2. Với 100 đôi ba ba bố mẹ. Bình quân mỗi năm gia đình ông xuất bán 800 - 900 con ba ba giống, thu nhập cả trăm triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, năm 2013, sau khi về thăm quê, thấy một số hộ dân nuôi gà ri lai Thái Bình cho thu nhập cao. Qua tìm hiểu, thấy việc nuôi cũng đơn giản, đất gia đình rộng, nhân lực sẵn có, vậy là ông lại gom nhặt vốn liếng và vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn để xây chuồng trại, mua con giống và thức ăn chăn nuôi.
Từ hơn 1.000 con gà giống lúc đầu, thấy hiệu quả ông lại mạnh dạn đầu tư nuôi thêm và mở rộng quy mô lên 8.000 con mỗi lứa.
Theo như chia sẻ của ông Long, giống gà ri lai Thái Bình dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thịt ngon, cân nặng mỗi con chỉ gần 2 kg, rất phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Bình quân mỗi năm ông xuất bán gần 20 tấn gà, thu lãi trên 160 triệu đồng.
Ông Long chia sẻ: “Sức mình còn, đất đai rộng, nhân lực lại có, nếu chỉ độc canh một cây, một con thì lãng phí. Hơn nữa, nuôi ba ba và nuôi gà cũng chỉ có thời điểm nhất định, không phải bận rộn quanh năm. Mình gây dựng cơ nghiệp để sau này con cái có cơ sở để phát triển thêm”.
Ông Long trồng thêm cây thanh long ruột đỏ trên vườn đồi của gia đình và cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ.
Nói là làm và dường như cảm thấy vẫn chưa bằng lòng với những gì mình đã có, năm 2013, ông lại tiếp tục cải tạo đồi gò trồng thêm 150 trụ thanh long ruột đỏ, trồng 400 gốc cam quýt các loại. Chỉ sau 2 năm, những trụ thanh long đã bắt đầu ra quả và vụ đầu ông thu trên 30 triệu đồng...
1.000 "cục bông" chỉ ăn lá cây mà lớn
Đầu năm 2015, trong một lần được tham gia hội thảo tại huyện Văn Chấn, thấy mô hình nuôi thỏ công nghiệp hiệu quả, vậy là ông lại bắt tay vào làm ngay. Với tiềm lực sẵn có, ông mạnh dạn bỏ ra vài trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại và mua 1.000 con thỏ giống về nuôi.
Nhờ cần cù, biết tính toán nên thành công lại mỉm cười với ông khi năm đầu tiên bán thỏ thịt, thỏ giống thu lãi gần trăm triệu đồng. Khi được hỏi về "bí quyết" để thành công, ông Long cười vui cho biết: thành công lớn nhất đó là phải tâm huyết. Hơn nữa, trong chăn nuôi cần phải có chút kiến thức về thú y.
Ví dụ như đối với con gà, con thỏ thời điểm giao mùa thường xuất hiện loại bệnh nào để có biện pháp phòng bệnh kịp thời. Nếu có bệnh, phải kịp thời cách ly ngay tránh để lây lan cả đàn và một yếu tố cực kỳ quan trọng là không được nản chí. Nếu chẳng may có bị dịch bệnh mất trắng thì coi như là một kinh nghiệm để những lần sau mình không gặp phải, chứ nếu thất bại mà buông xuôi thì khó có thể thành công được.
Bằng kinh nghiệm, chịu khó học hỏi, cần cù lao động, từ một nông dân chất phác, ông Nguyễn Đức Long đã vươn lên trở thành hộ nông dân tiêu biểu của thôn, xã. Vinh dự hơn, ông là một trong 30 gương mặt nông dân tiêu biểu trong Phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2016" được Hội Nông dân tỉnh vinh danh tại Hội nghị tổng kết mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của hội viên nông dân tỉnh năm 2016.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã