Hái tiền tỷ nhờ ươm hạt
Bà Hiền cho biết, có được như ngày hôm nay là nhờ bà có gần 20 năm gắn bó với các loại cây giống này. Bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990, khi xứ cây giống ở Cái Mơn (Chợ Lách- Bến Tre) bắt đầu phát triển.
Nghe người quen ở xứ sở cây giống phản ánh tình trạng cung không đủ cầu nên bà Hiền bắt tay ngay vào việc ươm cây giống trong khu vườn gần 2 công đất của nhà mình.
Ban đầu, bà chỉ ươm các loại giống đang được ưa chuộng như sầu riêng, măng cụt, xoài,… Ươm bao nhiêu, thương lái đến đều đặt cọc hết nên diện tích ngày càng được mở rộng. Đến năm 2002, bà Hiền được 16 công đất đều ươm cây giống.
Bà không ngần ngại chia sẻ: “Ươm cây giống mình nhìn thấy rất dễ dàng, nhưng khi làm mới thấy khó khăn. Để có cây giống tốt, không phải xới đất lên bỏ hạt là giống sẽ phát triển tốt đâu mà tất cả đều có bí quyết của nó. Tùy loại hạt giống, loại cây mà chúng ta sẽ làm đất như thế nào.
Đối với những cây hạt to thì nơi ươm hạt sẽ có độ xốp dày hơn các loại hạt khác nhỏ hơn như hạt cam, hạt bưởi… Khi hạt vừa lên lá mầm xanh mơn mởn cũng là lúc sâu hại hoành hành nên giai đoạn này, buộc người trồng phải chăm sóc rất kỹ lưỡng”.
“Nhờ vậy mà khách hàng tin tưởng, sản phẩm làm ra không sợ ế. Nói chung, làm nghề nào cũng vậy, phải làm thật tốt, thật chất lượng thì sẽ có người ủng hộ”- bà Hiền bộc bạch.
Chính nhờ cây ươm tốt nên nhiều năm qua vườn ươm của bà Hiền rất được các thương lái ở Bến Tre và các tỉnh lân cận ưa chuộng, đặt cọc trước…
Chỉ thửa đất ươm cây giống sầu riêng mới lên có 3 tháng tuổi, bà Hiền phấn khởi: “Cây giống hút hàng khoảng 3- 4 năm nay. Năm qua, gia đình tôi bán được 100.000 cây giống các loại, trừ chi phí thu lời gần 1 tỷ đồng. Năm nay, gia đình chúng tôi ươm 200.000 cây, gấp đôi năm rồi, giá cây ươm cũng cao hơn, mới ươm có 3 tháng mà đã có thương lái đến đặt hàng, bỏ cọc, ước tính năm nay gia đình tôi sẽ thu vào khoảng 2 tỷ đồng”.
Vườn ươm vươn ra Tây Nguyên
Bước vào vườn ươm cây giống của bà Hiền ai cũng thấy ngỡ ngàng vì sự hiện đại hóa. Những khu đất lớn nhỏ, ươm đủ loại cây nằm mát rượi dưới giàn phun nước bằng máy trắng xóa một vùng rộng lớn như những cơn mưa nhân tạo.
Anh Nguyễn Văn Vinh (34 tuổi, con của bà Hiền) đang chăm sóc vườn ươm, chân tình: “Khi còn làm một vài công đất thì cả gia đình cùng nhau ra tưới nước, từ khi diện tích được mở rộng lên vài hecta thì phải dùng máy tưới mới chịu nổi.
Cây giống mau lớn, rễ phát triển tốt thì nước rất quan trọng. Do làm nhiều khu, nhiều kích cỡ khác nhau nên rất cần phải có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại”.
Theo anh Vinh, tùy mỗi loại hạt giống mà chúng ta ươm như thế nào cho đạt chuẩn. Cụ thể, nếu sầu riêng, ươm từ 12.000- 15.000 hạt/công, bưởi thì khoảng 35.000 hạt/công… , ngoài các loại cây ươm chính là sầu riêng, bưởi, quýt, gia đình nhận hàng các thương lái đến đặt hàng tất cả các loại cây ươm khác theo yêu cầu.
Ngoài cung cấp cho thị trường ở khu vực ĐBSCL, vườn ươm còn cung cấp giống cho thị trường Tây Nguyên.
Ông Trần Huỳnh Út- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước- cho biết: “Không ngờ giữa cái vùng sản xuất gạch gốm nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long lại có một vườn ươm cây giống nổi tiếng của cả vùng.
Gia đình bà Hiền, con cái đều chí thú làm ăn và biết hướng phát triển ra thị trường Tây Nguyên rất tốt. 3 năm nay, nhờ ươm cây giống mà gia đình đã thu vào tiền tỷ mỗi năm.
Ngoài việc thuê đất kém hiệu quả làm vườn ươm, gia đình bà Hiền cũng hướng dẫn bà con ở địa phương làm theo và bao tiêu sản phẩm của họ. Mô hình sản xuất này rất xứng đáng là được tuyên dương, nhân rộng”.
Nguồn: baovinhlong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã