Với 6 ha đất rừng sản xuất nhận khoán của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, ông Lê Văn Lam, ấp 19, xã Khánh Thuận vừa khai thác tràm trong năm 2014, ông lãi được 180 triệu đồng. Phấn khởi từ vụ tràm trước, ngay sau khi khai thác, ông nhanh chóng mua tràm giống về trồng vụ mới. Ðến nay, tràm phát triển xanh tốt trong khi lứa keo lai đầu tiên trên bờ bao lâm phần sắp cho thu hoạch.
Ông Lam cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những vụ tràm trước, đợt này tôi trồng dày hơn. Lúc trước 200 bó/ha thì nay tăng lên 250 bó/ha. Khi cây được 1-2 năm tuổi, tôi tỉa bớt những cây không đạt chất lượng. Hồi đó, trồng bỏ cho lớn tự nhiên nhưng khai thác được khá cao. Bây giờ mình làm lại, chăm sóc kỹ càng hơn, chắc chắn sẽ khai thác nhiều hơn nữa”.
Từ khi được hưởng lợi từ kinh tế rừng, người dân mặn mà và chăm chút hơn cho phần đất rừng mình quản lý. Trước đây, họ hoàn toàn phó mặc tự nhiên, thậm chí thi nhau chặt phá thì nay tình trạng ấy không còn. Rừng gần như là sinh mệnh của người dân, vì thế, không chỉ tích cực trồng rừng sau khai thác mà người dân còn tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cùng với các ngành chức năng.
Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết: “Từ việc khai thác lâm sản đạt hiệu quả cao, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo trồng rừng mới và trồng rừng sau khai thác theo đúng kế hoạch, trong đó khuyến khích các hộ dân trồng rừng theo hình thức thâm canh với 2 loại cây là tràm cừ và keo lai. UBND huyện cũng đã xin chủ trương của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Ðầu tư hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi và vay tín dụng để nạo vét các kinh trục phục vụ việc vận chuyển lâm sản cũng như phục vụ cho công tác PCCCR”.
Tính đến nay, huyện U Minh có hơn 30.000 ha rừng tràm. Trong 5 năm qua, huyện đã trồng mới và trồng sau khai thác được 11.800 ha (trong đó keo lai chiếm 3.000 ha). Ðối với các diện tích rừng sản xuất, huyện đang khuyến khích các hộ dân chuyển đổi hình thức trồng rừng theo hướng thâm canh. Ðây là phương pháp trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng quảng canh truyền thống, bởi trồng thâm canh sẽ rút ngắn chu kỳ khai thác tràm xuống còn 5-6 năm; chất lượng tràm cừ tốt hơn và nhất là thu nhập cao hơn trồng rừng quảng canh từ 30-50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, dân xứ rừng hiện nay rất linh hoạt khi đan xen trồng cây tràm cừ và keo lai. Mặc dù keo lai có giá trị kinh tế cao hơn, nhưng mọi người vẫn giữ cây tràm bởi sự ổn định về đầu ra của nó.
Theo tính toán của ông Phạm Văn Rõ, ở ấp 20, xã Khánh Thuận, để kê liếp cho 5 ha đất rừng thâm canh, chi phí hơn 60 triệu đồng, chưa kể tiền cây giống. Ông Rõ chia sẻ: “Tôi thấy bên công ty trồng thử nghiệm thâm canh đạt hiệu quả rất cao nên sẵn vừa khai thác xong, có vốn, tôi múc lên làm luôn”. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu thông tin: “Từ nay đến năm 2020, công ty sẽ trồng khoảng 5.000 ha keo lai trên tổng số 17.000 ha có rừng của công ty. Cây keo lai chủ yếu trồng ở những vùng gò cao và các bờ bao lâm phần, còn lại vẫn trồng cây tràm cừ bản địa. Keo lai và tràm cừ đang cùng phát triển trên đất rừng U Minh Hạ”.
Trong lúc chờ đợi cây tràm đến ngày khai thác, người dân vùng rừng không còn phụ thuộc vào việc độc canh cây lúa như trước mà họ còn có 3 nguồn thu lớn từ mật ong, cá đồng và hoa màu. Mật ong U Minh Hạ đã xây dựng được thương hiệu, tạo được chỗ đứng trên thị trường, sản lượng khai thác từ 30.000-50.000 lít/năm. Ngoài ra, bà con còn tận dụng bờ bao lâm phần để trồng các loại hoa màu, cây ăn trái ngay trong mùa khô nên giá cả, đầu ra luôn ổn định.
Từ khi thực hiện Nghị quyết số 07 của Huyện uỷ về việc tận dụng đất trống để trồng hoa màu, cây ăn trái, toàn huyện đã trồng được 137,5 ha. Trong số này, đa phần là khu đất trống thuộc lâm phần rừng tràm. Ngoài ra, những hộ dân sống ở vùng ngọt hoá, ít bị ảnh hưởng của nước phèn (các xã Khánh Lâm, Khánh Thuận) cũng duy trì và phát triển khá tốt nguồn lợi cá đồng. Theo tính toán của nhiều hộ dân, nguồn thu từ việc khai thác sản vật dưới tán rừng vài chục triệu đồng/năm.
Ông Lê Thanh Triều cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp và bố trí dân cư rừng tràm. Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt đồ án quy hoạch này. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ chọn những điểm mang lại hiệu quả cao để chỉ đạo nhân rộng”.
Trong nhiệm kỳ mới, Ðảng bộ huyện U Minh đặt ra những mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế rừng như: Khuyến khích các thành phần kinh tế và hộ dân cư cùng tham gia đầu tư phát triển rừng theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục sắp xếp hợp lý dân cư khu vực rừng tràm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao thay cho cây tràm ở những nơi có năng suất thấp. Tranh thủ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong các khu vực lâm phần. Ðồng thời, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển nghề rừng, đặc biệt quan tâm phát triển du lịch sinh thái rừng./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã