Thu lãi 3 tỷ mỗi năm từ nuôi gà theo công nghệ khép kín
Ông Nguyễn Công Khanh (ngụ thôn Thành Bình 1, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đó đã nâng cao thu nhập, thậm chí làm giàu cho gia đình.
Báo Dân trí đưa tin, năm 2013, sau khi đi tham quan học hỏi một số mô hình ở các tỉnh bạn cũng như tham khảo qua tài liệu, sách, báo và tìm được doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, ông Khanh đã xây dựng hệ thống chuồng trại trên 2ha, với công suất 100 ngàn con gà đẻ lấy trứng.
Với hệ thống chuồng trại này, nhờ nuôi khép kín và tách biệt với bên ngoài, ở cửa ra vào lại có hệ thống tiêu độc, khử trùng nên đàn gà phát triển khỏe mạnh, hạn chế bị dịch bệnh lây lan và mỗi ngày trang trại ông thu hoạch được khoảng 90 ngàn quả trứng. Ưu điểm của nuôi gà khép kín, dù số lượng gà đông và nuôi nhốt tập trung nhưng nhờ hệ thống chuồng trại hiện đại cũng như được vệ sinh, khử trùng thường xuyên nên không gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Công Khanh chia sẻ: Trước đây nuôi gà theo phương pháp thủ công truyền thống là nuôi thả vườn với số lượng ít chủ yếu phục vụ bữa ăn cho gia đình nên thường hay bị dịch bệnh, phát triển kém. Giờ nuôi trong chuồng trại theo công nghệ khép kín nên rất an toàn, đàn gà sinh trưởng tốt.
Năm 2015, một công ty đang bao tiêu sản phẩm trứng gà của gia đình ông Khanh với giá 1.550 đồng/quả. Như vậy, mỗi ngày đàn gà cho thu hoạch khoảng 90 ngàn quả trứng đã đem về cho gia đình ông thu nhập gần 140 triệu đồng.
Ngoài thu nhập từ trứng, thì gia đình ông còn cho thu nhập từ việc bán phân gà. Mỗi ngày trại gà thải ra khoảng 7 tấn phân, với giá 1 triệu đồng/tấn, gia đình ông có thêm khoản thu nhập 7 triệu đồng/ngày.
Không chỉ nuôi gà đẻ trứng mà gia đình ông Khanh còn có trại nuôi gà thịt quy mô trên diện tích gần 5.000m2. Mỗi năm ông nuôi 4 lứa gà thịt, mỗi lứa 30 ngàn con (chủ yếu nuôi gia công, vỗ béo) và cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi lứa gà.
Doanh thu tiền tỷ từ trang trại chăn nuôi heo khép kín
Anh Võ Đình Duẫn (thôn Bắc Lân, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi heo khép kín. Sau 3 năm (năm 2015) mô hình này đã mang lại doanh thu tiền tỷ cho gia đình anh.
Theo Người chăn nuôi, năm 2012 anh Duẫn đầu tư mô hình nuôi heo khép kín cho riêng mình. Để có loại heo giống tốt nhất, anh Duẫn vào tận Bình Dương tìm mua. Mười con heo giống đầu tiên mua về được anh Duẫn chăm sóc với chế độ đặc biệt. Trang trại heo của anh Duẫn được đầu tư hệ thống chăn nuôi hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Một gian nuôi heo thịt, mỗi chuồng rộng 25m² chứa hơn 20 con. Có hệ thống cho ăn, hầm biogas, vòi uống nước tự động. Gian còn lại nuôi heo nái. Mỗi con heo nằm mỗi ngăn và được cho ăn theo chế độ. Khi đến kỳ sinh đẻ, heo nái được cho nằm trên sàn cao, có thông hơi ở dưới sàn, đồng thời kèm theo hệ thống quạt mát. “Cho heo nái lên sàn đẻ vừa sạch sẽ vừa đảm bảo an toàn cho heo con sinh trưởng tốt. Vì nằm dưới đất rất dễ sinh bệnh”, anh Duẫn chia sẻ. Cứ thế, số heo nái tăng trưởng và phát triển mạnh cho ra nhiều lứa heo con. Đến nay, tổng số đàn heo của gia đình anh Duẫn lên đến 200 con heo thịt và 20 con heo nái.
Anh Duẫn cho biết, một ngày phải tắm hai lần mới đảm bảo vệ sinh chuồng trại và không ảnh hưởng đến môi trường. Đúng như anh nói, tuy là trang trại nuôi heo số lượng lớn, nhưng khi đặt chân vào đây hầu như không có mùi hôi. Bởi, tất cả phân heo đều được xử lý bằng hệ thống hầm Biogas, tạo ra nguồn khí gas lớn phục vụ cho 6 hộ dân xung quanh. Được biết, đây là mô hình nuôi heo khép kín đầu tiên ở xã Ba Động.
Bình quân cứ 4 tháng anh Duẫn xuất heo thịt ra thị trường một lần. Mỗi lần xuất khoảng 20 - 30 con heo với cân nặng 1 tạ/con. Với giá cả ổn định 45 - 50 nghìn/kg anh Duẫn thu về 300 triệu đồng/mỗi lần bán. Ngoài ra, anh Duẫn còn thu số tiền lớn từ việc bán heo giống cho các hộ chăn nuôi và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo cho những ai muốn đầu tư vào mô hình nuôi heo khép kín.
Những điều cần biết về xây dựng mô hình trang trại khép kín
Việc áp dụng mô hình trang trai khép kín và kết hợp trong chăn nuôi đã giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu. Ưu điểm của mô hình này là giúp người chăn nuôi vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường chăn nuôi, đồng thời cũng giảm thiểu bệnh tật và có thể phát triển chăn nuôi bền vững hơn.
Phát triển mô hình kinh tế trang trại theo mô hình sinh thái VAC-R là một hướng đi đúng, cần được đầu tư và khuyến khích nhiều hơn trong cả nước. Điểm lợi của mô hình trang trại khép kín này là người chăn nuôi có thể tận dụng triệt để nguồn nước, nguồn thức ăn, các loại chất thải để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Quy trình phát triển mô hình VAC-R
Vườn và chuồng có mối quan hệ hỗ trợ rất mật thiết. Vườn cung cấp các loại thức ăn cho chăn nuôi, ngược lại chuồng cung cấp phân bón được chế biến từ chất thải gia súc, gia cầm cho cây trồng trong vườn. Ao cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây trồng trong vườn, ngược lại nhiều loại cây trong vườn có thể làm nguồn thức ăn rất tốt cho cá trong ao.
Rất nhiều sản phẩm và nguyên liệu được lấy từ ao là nguồn thức ăn bổ sung có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi. Ban đầu người chăn nuôi lấy nước từ ao lên để rửa sạch và vệ sinh hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Sau đó họ lại tiếp tụng tận dụng nước thải đó đã qua khâu xử lý đưa quay trở lại ao để trở thành nguồn dinh dưỡng tốt nhất, cần thiết cho sự phát triển cho cá trong ao.
Còn những chất thải của gia súc gia cầm sẽ tạo ra những lượng khí sinh học được dùng thay cho những loại chất đốt truyền thống, vì những loại chất đốt truyền thống thường gây ô nhiễm môi trường nên việc sử dụng những loại khí sinh học góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời chất thải của các loại khí này được dùng làm nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi trong vườn. Mô hình VAC-R là mô hình tổng hợp khép kín vì người chăn nuôi biết tận dụng một cách hiệu quả và triệt để nhờ những gì có trong đó từ chất thải, thức ăn, khí đốt…
Theo Hoàng Linh/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã