Nếu như nhiều nông dân ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã chọn cây tràm, cây mía và cây ăn trái là loại cây trồng chủ lực thì ông Đặng Văn Thới ở ấp Phương An 1 lại quyết định đầu tư trồng cây chuối xiêm Thái - loại cây “dân dã” theo hình thức chuyên canh.
Theo ông Thới, lợi thế của chuối xiêm Thái là dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, trồng một lần có thể thu hoạch trong nhiều năm, đầu ra luôn ổn định. Đặc biệt, chuối xiêm Thái phù hợp với nhiều loại đất, kể cả vùng đất phèn, trũng của huyện Mỹ Tú.
Ông Đặng Văn Thới rất phấn khởi bởi mức thu nhập mà vườn chuối xiêm Thái đang giai đoạn thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Thới cho biết: “Cây chuối xiêm Thái thời gian sinh trưởng khoảng 8 tháng, tính luôn tới lúc lấy buồng gần 12 tháng mới hoàn thiện quy trình canh tác và cho thu nhập. Trải qua quá trình chuyển đổi nhiều loại cây trồng, giờ đây tôi dự định sẽ gắn bó lâu dài cùng cây chuối, bởi giờ lớn tuổi rồi không còn nhiều sức khỏe để trồng các loại cây ăn trái đang thịnh hành nữa...".
Ông Thới kể, hơn chục năm trước, ông trồng bưởi Năm Roi, rồi chuyển sang bưởi da xanh. Vườn bưởi của gia đình khá nổi tiếng bởi trái ngon. Nhiều thương lái ưa chuộng tranh mua hàng. Nhưng chỉ vài năm, giá bưởi xuống thấp, chi phí lớn, ông quyết định đốn bỏ chuyển sang trồng quýt. Hơn 3 năm, quýt cho những lứa trái đầu tiên, bán được giá, rồi tiếp tục rớt giá, liên tục mấy năm liền.
Thấy buồn lòng với cây quýt, ông Thới lại chuyển sang trồng cây cam sành, đến cây cam xoàn đều không thành công bởi tất cả đều phụ thuộc vào giá thị trường. Thấy cây có múi “không có duyên” với mảnh vườn nên ông mạnh dạn trồng cây chuối xiêm Thái. Theo kinh nghiệm của nhiều người, chuối xiêm Thái khác với chuối xiêm truyền thống ở chỗ buồng chuối lớn, nhiều nải, kích thước từng trái chuối đồng đều, giá bán tốt hơn chuối xiêm truyền thống.
Trong quá trình trồng chuối xiêm Thái, theo kinh nghiệm của ông Thới, ngoài việc bán buồng còn bán được bắp chuối, cây chuối con và kể cả lá chuối sau khi thu hoạch buồng để bà con làm thức ăn cho cá, gà, vịt...Bắp chuối được dùng làm món gỏi phục vụ tại các quán ăn, tiêu thụ rất tốt.
Hàng tuần, ông Thới đều xuất bán bình quân từ 70kg đến 100kg bắp chuối, giá bán dao động 4.000 đồng đến 10.000 đồng/kg tùy vào thời điểm, cho thu nhập khoảng 500.000 đồng đến 700.000 đồng. Đối với chuối con (dùng làm giống - PV), tùy thuộc vào nhu cầu của khách mua mà mỗi tháng bình quân bán từ 100 cây đến 300 cây, giá bán 20.000 đồng/cây, số tiền thu về tầm 3 triệu đồng.
Riêng buồng chuối, được bán theo hình thức tính ký, giá dao động 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, hàng tuần ông Thới thu về số tiền tầm 10 triệu đồng. Tổng thu nhập từ 25 công vườn chuối xiêm Thái của gia đình ông Thới hàng tháng gần 17 triệu đồng. "So với trước đây, số tiền bán chuối xiêm Thái trên chưa bằng tiền bán cam, quýt, nhưng bù lại nhàn hạ hơn và không phải tốn nhiều công chăm bón, bởi chuối thuộc loại cây dễ tính nên dù điều kiện môi trường không ổn định cây vẫn sống, cho thu hoạch tốt...", ông Thới cho hay.
Theo ông Thới, để cây chuối xiêm Thái phát triển tốt, cho năng suất cao, trong quá trình trồng, bà con phải chú ý đến việc bón phân thật cân đối, dọn sạch phần lá khô bám thân cây nhằm tránh các loại mò đeo theo làm ảnh hưởng chất lượng và hình thức trái. Bên cạnh đó, người trồng phải bổ sung nước nhằm giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng từ đất nuôi buồng bằng việc quan sát thời tiết. Nếu nắng nóng kéo dài khoảng 7 ngày liên tục thì cung cấp nước cho cây một lần. Ngoài ra, cần tháo nước thường xuyên tại các ao trong vườn chuối vào mùa mưa để tránh tình trạng nước trong ao nhiều quá gây úng rễ chuối. Khoảng cách giữa các cây chuối trồng trên liếp khoảng 3m là hợp lý nhất. Chỉ nên để bụi chuối từ 3 cây đến 4 cây, không nên để nhiều cây bị gập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng buồng chuối.
Ông Thới cho biết thêm: “Dự định tới đây, ngoài việc “song hành” cùng 25 công chuối xiêm Thái, tôi sẽ tiến hành trồng thêm 4 công chuối cao mẳn, kể cả trồng xen canh chuối cao mẳn vào vườn chuối xiêm nhằm tăng thêm thu nhập. Theo tôi, trồng chuối diện tích nhỏ lẻ rất khó bán. Theo tính toán, 1 năm thu hoạch chuối kèm theo bán bắp chuối, cây giống, lá chuối số tiền hơn 200 triệu đồng, năm tới số tiền tăng lên do số chuối thu hoạch đồng loạt hơn...”.
Ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú cho biết: “Diện tích trồng chuối xiêm Thái trên địa bàn huyện gần 30ha. Đây là con số thống kê theo số hộ chỉ chuyên canh trồng chuối từ các vườn cây ăn trái, vườn tạp và cây mía chuyển đổi sang trồng chuối, chưa kể nhiều hộ trồng chuối theo hình thức xen canh, ước thêm khoảng 10ha. Riêng cây chuối xiêm Thái, người dân trên địa bàn huyện mới phát triển trồng hơn 2 năm trở lại đây do giá bán khá tốt, có thời điểm lên tới 10.000 đồng/kg, một buồng chuối nặng 20kg đến 25kg, người dân có số tiền 200.000 đồng đến 250.000 đồng...".
Theo ông Đầy, nếu trồng chuối xiêm Thái số lượng nhiều, số tiền thu về càng cao. Chuối xiêm Thái dễ trồng, ít bị bệnh, chủ yếu bị sùng ăn rễ. Để phòng tránh sùng tấn công, người trồng chuối chỉ cần bón thuốc trừ dạng hạt xuống gốc, sau đó tưới nước lên gốc, thuốc ngấm sâu vào lòng đất sẽ tiêu diệt được sùng. Đồng thời, để chuối ngọt hơn thì nên bón thêm phân kali cho cây và cung cấp phân hữu cơ, giúp cây chống chịu tốt hơn với vùng đất phèn...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã