Rau ngót dễ trồng, dễ bán nên nông dân có thu nhập khá. Ảnh minh hoạ
Như hộ ông Võ Văn Dẫu (65 tuổi, ngụ ấp 1 xã Hưng Long, huyện Bình Chánh), đã mạnh dạn chuyển đổi 6.000m² đất trồng lúa sang trồng cây rau ngót (ảnh), tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xây dựng kinh tế địa phương phát triển.
Rau ngót là loại rau có nhiều chất bổ và đạm. Ngoài việc cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và muối khoáng, canxi, photpho…, rau ngót còn có một lượng đạm (protid) đáng kể. Chưa kể, rau ngót ít bị sâu bệnh, suốt quá trình canh tác hầu như không phải phun thuốc trừ sâu, rất an toàn với người tiêu dùng. Những đặc điểm này chính là điểm nhấn quyết định, để ông Dẫu chọn rau ngót là cây sản xuất chính trong canh tác nông nghiệp.
Ông Dẫu kể: “Trước năm 2009, với 6.000m² đất của gia đình, tôi chỉ trồng lúa, nhưng nhận thấy lãi từ việc trồng lúa không khá mấy, nên năm 2009 tôi chuyển sang trồng cây rau ngót. Vì đây là một loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, thích hợp trên nhiều vùng đất và là món rau rất quen thuộc trong thực đơn của mọi gia đình, bởi nó cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể”.
Sau khi tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường và chất lượng sản phẩm, ông Dẫu được cơ quan khuyến nông địa phương hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc trong canh tác, theo chương trình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, ông Dẫu mạnh dạn đầu tư máy xới đất, máy phun thuốc cho vườn rau ngót của mình, qua đó năng suất và chất lượng sản phẩm đạt được rất cao.
Chỉ 20 ngày sau trồng, có thể cắt hái được lứa rau ngót đầu tiên, sau đó tiếp tục chăm sóc các lứa tiếp theo có thể thu hái từ 10-15 ngày/lần. Ảnh minh hoạ
Không chỉ hỗ trợ về cơ giới hóa, cơ quan khuyến nông còn hướng dẫn ông Dẫu tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng với các hợp tác xã thu mua rau sạch, đúng chất lượng, số lượng và thời điểm giao hàng. Việc bán sản phẩm qua hợp đồng giúp nông dân không bị ép giá như bán qua thương lái, chợ đầu mối…
Theo đó, vườn rau 6.000m² của ông Dẫu có thể thu hoạch trung bình 100 - 120 kg/ngày bán cho Hợp tác xã Rau Phước An - đơn vị thu mua rau sạch theo hợp đồng tại huyện Bình Chánh, nhằm cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn thành phố. Với giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg rau, ông Dẫu thu được khoảng 1 triệu đồng/ngày, sau khi trừ chi phí (công lao động, điện, nước, hao hụt máy móc…), ông Dẫu lãi khoảng 500.000 đồng/ngày.
Khi trồng rau ngót, nên chọn những đoạn thân, cành bánh tẻ cắt thành hom dài 10-15cm. Mỗi hốc đặt 2 đoạn cành nằm nghiêng 15-200, vùi đất sâu 2/3, trừ lại 1/3 rồi lấp kỹ để cây nẩy nhiều chồi. Ảnh: I.T
Gần 7 năm “bén duyên” cùng cây rau ngót, khi được hỏi về kỹ thuật chăm sóc cây, ông Dẫu tận tình chia sẻ: “Rau ngót là loại cây chăm sóc rất dễ, chỉ cần chọn cành mập có sức sống, cắt khoảng 20 - 25cm, đào hố giâm cành xuống đất theo hàng, theo lối là có thể sống được. Nhưng để cây phát triển tốt hơn, nên xới đất cho tơi xốp và tưới nước đầy đủ. Thời gian trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 3 tháng, sau đó khoảng 40 ngày lại cho thu hoạch lứa tiếp theo. Do thu hoạch liên tục, nên sau mỗi lần thu hoạch thì cần bón phân cho cây và sau 6 tháng có thể bón thêm phân hữu cơ, để cây phát triển tốt hơn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã