Mô hình được triển khai tại Hà Thạch (thị xã Phú Thọ), là xã điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Quy mô mô hình 5ha tập trung với 50 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống bí đỏ chất lượng cao F1-868; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, trồng bí theo phương pháp làm đất tối thiểu và phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM,….
Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% giống bí đỏ chất lượng cao F1-868, 50% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 25% phân hữu cơ sinh học; được tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thu nhập cũng như các biện pháp kỹ thuật cần được áp dụng vào mô hình: ngâm ủ giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch và bảo quản.
Bí trồng trên đất sau khi thu hoạch lúa mùa nên nông dân trồng vụ đông bị muộn hơn 1 tuần so với kế hoạch. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, Phòng Kinh tế thị xã Phú Thọ, các cấp chính quyền xã Hà Thạch và cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng hướng dẫn, chỉ đạo nông dân tranh thủ thời vụ gieo trồng sớm ngay khi gặt lúa mùa, tuân thủ quy trình gieo trồng bí theo phương pháp làm đất tối thiểu, mật độ trồng đảm bảo, bón phân đúng thời điểm, bón đủ lượng phân; công tác tổ chức cấp phát thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, hướng dẫn nông dân phun tập trung khi xuất hiện sâu bệnh nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, phân nhánh khỏe, ra hoa tập trung, tỷ lệ đậu quả cao.
F1-868 là giống bí đỏ chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn (cho thu hoạch sau trồng 75-80 ngày), khả năng phân nhánh mạnh, quả có độ đồng đều cao, ruột đặc, ăn bở, ngọt. Năng suất bí vụ đông 2014 đạt 400 kg/sào (11 tấn/ha), với giá bán tại địa phương 6.000 đồng/kg, thu nhập đạt 2,4 triệu đồng/sào, trừ chi phí, lãi 1.482.000 đồng/sào; so sánh với ngô đông thì lợi nhuận cao hơn 1.309.000 đồng/sào (năng suất ngô 130 kg/sào, tổng thu từ trồng ngô đạt 1.105.000 đồng/sào, lợi nhuận 173.000 đồng/sào). Như vậy, với 5ha trồng bí đỏ, các hộ thu lợi khoảng 200 triệu đồng, trong khi nếu trồng ngô thì chỉ thu lãi 24 triệu đồng.
Kết quả bước đầu của mô hình cho thấy, việc thay đổi cây trồng truyền thống kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho năng suất, giá trị và hiệu quả kinh tế cao là rất cần thiết; giúp chính quyền địa phương có kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất: mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức khoanh vùng trồng tập trung, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã