Làm giàu từ... củi khô
Hiện, nấm linh chi tự nhiên đang dần cạn kiệt. Trên thị trường, người dùng phải bỏ ra chi phí lớn mới có thể sử dụng loại dược liệu này. Trong khi đó, phương pháp trồng linh chi bằng mùn cưa có chi phí đầu tư lớn, phụ thuộc vào vùng thổ nhưỡng, giá thành sản phẩm cao...; mặt khác, sản phẩm khó có thể đảm bảo độ “sạch” do phải dùng thêm phụ chất.
Từ thực trạng này, các nhà khoa học ở Hòa Bình đã khắc phục nhược điểm bằng cách tạo ra giá thể trồng nấm từ cây gỗ keo tự nhiên. Kỹ sư Trần Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ (TBKH&CN) Hòa Bình (thuộc Sở KH&CN tỉnh) cho biết: “Sau khi đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình sản xuất nấm linh chi từ nguyên liệu cây gỗ keo tươi và mùn cưa tại tỉnh Hòa Bình” được nghiệm thu (tháng 12.2017), đơn vị được chuyển giao ứng dụng để tiếp tục nghiên cứu phát triển và tiến hành sản xuất thương mại”.
Nằm ngay tại TP.Hòa Bình, khu sản xuất của Trung tâm đỏ rực với hàng nghìn cây linh chi sắp đến kỳ thu hoạch, mọc san sát nhau và đều tăm tắp. “Rừng” dược liệu quý hiếm mà nhiều người săn tìm giờ đang hiện hữu giữa đô thị tấp nập.
Khác với công nghệ phổ biến là trồng nấm trên mùn cưa, kỹ thuật mà Trung tâm áp dụng hoàn toàn mới, đó là linh chi được trồng trên giá thể bằng cây gỗ keo tươi. Theo đó, phần ngọn cây, cành nhỏ, phần thân vỡ (người dân thường bỏ đi hoặc để làm củi sau khi khai thác gỗ) được đơn vị thu mua về. Sau khi phân loại, keo được cắt thành từng đoạn dài 20cm, sau đó đem xử lý nấm mốc, tránh mối mọt bằng cách hấp, sấy tiệt trùng và cho vào bao nylon để trở thành giá thể.
Phôi nấm linh chi được nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm, sau đó được cấy ghép vào trong giá thể rồi đặt trong nhà lưới. Yếu tố quan trọng trong quá trình trồng nấm là kiểm soát tốt ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Để cho ra những cây nấm đảm bảo chất lượng, kích thước, thẩm mỹ, đòi hỏi người trồng phải điều chỉnh kịp thời các yếu tố trên theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của nấm. Khi trên tai nấm không còn viền màu vàng nhạt mà chuyển sang màu nâu thì có thể thu hoạch được.
Điểm khác biệt của kỹ thuật này là nguồn dinh dưỡng cho nấm được cung cấp hoàn toàn trực tiếp từ cây keo, không bổ sung bất kỳ phụ gia nào. Do vậy, chất lượng nấm linh chi thu được gần như tương đương với nấm mọc trong tự nhiên.
“Đây là công nghệ mới ở Việt Nam với nhiều ưu việt vì ở đâu cũng có thể áp dụng. Đặc biệt, quy trình này tương đối đơn giản, các công đoạn không đòi hỏi kỹ thuật cao nên người dân có thể dễ dàng tiếp cận” - anh Thắng cho biết.
Kỳ vọng mới cho nông dân
Đơn vị thứ hai được chuyển giao mô hình này là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (xã Hòa Bình, TP.Hòa Bình). Với những xã viên ở đây, họ đã “thuộc lòng” quy trình sản xuất và thực hiện rất thuần thục. Thế nên, với khu vực sản xuất chỉ vài chục mét vuông được “cải tạo” từ một khu lán trại, ngay vụ đầu tiên, HTX đã thu được thành quả là gần 3 tạ linh chi khô. Hiện, HTX đang triển khai vụ thứ 2, nấm sinh trưởng rất tốt và sẽ cho thu hoạch sau gần 1 tháng nữa.
Đánh giá về cơ hội phát triển của mô hình, ông Bùi Văn Chủm, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình cho biết: Qua kiểm nghiệm, sản phẩm nấm linh chi trồng bằng phương pháp nuôi cấy trên cây keo tươi đảm bảo sạch, hoạt chất dược liệu cao. Qua đó, bà con nông dân ở bất cứ đâu cũng có thể trồng được nấm linh chi, người tiêu dùng thì được thụ hưởng sản phẩm chất lượng cao với giá rẻ.
Mỗi lứa nấm trồng khoảng 3 tháng là cho thu hoạch, một bịch giá thể có thể cho thu hoạch 3 lần và sau đó khoảng 70-80 ngày là thu hoạch lứa tiếp theo. Bằng công nghệ mới, ước tính nấm bán ra thị trường sẽ có giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 40- 50%. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, nấm linh chi dao động từ khoảng 1 triệu đồng đến vài triệu đồng/kg. Nấm linh chi có thể dùng làm dược liệu cho Đông y hoặc pha trà uống hằng ngày.
Được biết, thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng TBKH&CN tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất mô nấm và xây dựng dây chuyền chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm như trà dược liệu, linh chi đóng gói... và cung cấp mô nấm, giá thể cho người dân.
Với những đặc tính ưu việt của mô hình trồng nấm linh chi, người dân Hòa Bình đang có thêm cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhân rộng mô hình, tỉnh cũng cần kết hợp tìm đầu ra cho sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất để tránh tình trạng dư thừa.
Theo Ngọc Tùng/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã