Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được Chi cục Trồng trọt bảo vệ thực vật Nghệ An và Trạm Trồng trọt bảo vệ thực vật Hưng Nguyên hỗ trợ triển khai tại xã Hưng Khánh với sự tham gia của gần 40 hộ dân. Tham gia mô hình, các hộ dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, trồng và chăm sóc các loại rau theo tiêu chuẩn VietGap để hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Bà Võ Thị Ngũ - nông dân xóm 2 xã Hưng Khánh cho biết, tham gia mô hình, chúng tôi được hướng dẫn cách làm đất, ủ phân chuồng với vôi để xử lý mầm sâu bệnh, cách trộn các loại phân bón và chỉ bón phân 1 lần đầu vụ. Ngoài ra, chúng tôi được hỗ trợ hạt giống để gieo”.
Trước đây, trên vùng đất bãi ven sông Lam mỗi năm nông dân xã Hưng Khánh chỉ sản xuất 1 vụ lạc hoặc ngô xuân. Suốt thời gian từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau, vùng đất bãi ven sông bị bỏ hoang làm bãi chăn thả trâu bò. Vài năm trở lại đây bà con đã đưa một số cây rau màu vào sản xuất vụ đông nhưng vẫn chưa tìm ra hướng đi phù hợp.
Người dân chăm sóc rau theo quy trình an toàn. Ảnh Thanh Tâm |
Vụ đông 2016, nhờ Chi cục trồng trọt bảo vệ thực vật tỉnh giúp đỡ, nông dân đưa các loại rau như: bắp cải, xu hào, khoai tây, cà rốt, rau cải… vào trồng trên diện tích 2 ha. Nhờ được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nên tất cả các loại rau đều được bà con áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Đất được làm tơi, chỉ bón phân 1 lần trước khi gieo trồng và chủ yếu bón phân chuồng đã được ủ hoai với vôi bột để xử lý mầm bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà bắt sâu, làm cỏ bằng phương pháp thủ công; tưới nước sạch để tạo ra sản phẩm rau an toàn.
2 héc ta rau an toàn trên đất bãi xã Hưng Khánh cho thu nhập khá. Ảnh Thanh Tâm |
Với giá bán 5.000 đồng/chiếc bắp cải, bà con có thể thu 10 triệu đồng mỗi sào chỉ sau 3 tháng sản xuất. Mặc dù bị muộn thời vụ do mưa lũ đầu vụ nhưng mô hình sản xuất rau an toàn tại Hưng Khánh bước đầu đã tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và cung cấp cho thị trường lượng lớn rau hàng hóa an toàn.
Sau 2 tháng chăm sóc, bà Võ Thị Ngụ ở xóm 2 bắt đầu thu hoạch bắp cải. Ảnh Thanh Tâm |
“Chúng tôi dự định mở rộng diện tích lên 5 ha. Cánh đồng này đã được huyện hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống điện, trạm bơm và hệ thống đường ống, bể nước để tưới phục vụ cho việc sản xuất rau sạch. Vấn đề chúng tôi quan tâm là đầu ra tiêu thụ sản phẩm bởi nếu bán trôi nổi ngoài thị trường cũng khó cho người làm rau sạch. Trong khi đó, rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí và công nhiều hơn”, ông Trịnh Văn Ngọ - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Khánh lo lắng.
Hiện Trạm Trồng trọt bảo vệ thực vật huyện đang tuyên truyền cho bà con sản xuất rau an toàn, tham mưu huyện hỗ trợ cho người dân sản xuất các loại rau gắn liền với thị trường tiêu thụ tại địa phương như các trường mầm non, siêu thị...
Theo Thanh Tâm/baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã