Anh Nghiệm (31 tuổi, ngụ ấp Thanh Hải, xã Long Điền Tây, H.Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) kể: Những năm qua, người nuôi tôm ở Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững quy trình nuôi hoặc lạm dụng thuốc, hóa chất dẫn đến tôm nuôi bị thiệt hại lớn. Từ đó, nhiều hộ đã áp dụng mô hình nuôi tôm bán thâm canh kết hợp thả nuôi cua biển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn cua giống chỉ khai thác ven sông, biển nên rất khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu thả nuôi.
Anh Nghiệm kiểm tra các hồ ương cua giống
Nhận thấy tiềm năng của thị trường cua biển giống, anh Nghiệm bắt đầu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở các cơ sở, trang trại ương cua biển giống tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Khi nắm vững được kỹ thuật, đầu năm 2015, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở ương cua biển giống, qua nhiều vụ ương thành công đã giúp anh có thu nhập khá cao.
Theo anh Nghiệm, quy trình ương cua giống được xây dựng khép kín. Ban đầu, anh xây dựng khu ương với diện tích 360 m , chia thành 21 hồ ương, mỗi hồ chứa khoảng 7 m nước. Sau khi hoàn chỉnh khu ương, xử lý nước, môi trường, anh tìm mua cua cái mang trứng (còn gọi là ấu trùng, meralop) đem về ương rồi thuần dưỡng thành cua con. Từ khi cua cái mang trứng, chỉ sau ít ngày ương sẽ nở thành cua con và khoảng 25 ngày ương tiếp theo cua con sẽ xuất bán ra cho người nuôi. Anh Nghiệm chia sẻ: Trong suốt quá trình ương cua giống, các hồ ương phải đảm bảo độ mặn từ 24 - 25/1.000, nguồn nước cấy men vi sinh định kỳ, tạo ô xy xuyên xuốt 24/24 giờ. Ngoài ra cần sử dụng các loại thức ăn cho cua con có chất dinh dưỡng cao.
Anh Nghiệm cho biết mỗi con cua cái đẻ khoảng 1 triệu trứng. Sau quá trình ương đạt tỷ lệ khoảng 20%, tức là ương thành công 200.000 con cua giống. Từ khi triển khai thực hiện đến nay anh đã ương thành công liên tiếp 4 vụ, với sản lượng hơn 1,5 triệu con cua giống. Theo đánh giá của anh Nghiệm, quy trình ương cua giống dễ áp dụng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, cua giống ương nuôi mau lớn, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên ở các xã vùng ven biển. Hiện cua giống rất khan hiếm nên lượng giống do anh Nghiệm ương đều được tiêu thụ hết. Giá cua giống tương đối ổn định, đem thu nhập, lợi nhuận khá. Thương lái đến tận cơ sở của anh thu mua với giá từ 350 - 500 đồng/con, rồi xuất bán cho người nuôi ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang...
Bình quân, mỗi vụ ương cua giống kéo dài khoảng 1,5 tháng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng/vụ. Mỗi năm có thể ương 3 - 4 vụ, thu trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, cơ sở của anh Nghiệm đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/vụ. Anh Nghiệm chia sẻ từ thành công của mô hình ương cua giống, tới đây anh sẽ đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi vỗ cua mẹ, dèo cua dưa (nuôi dưỡng những con cua còn nhỏ như hạt dưa), sử dụng men sinh học… nhằm nâng cao tỷ lệ ương thành công. Bên cạnh nghề ương cua giống, anh còn có 6 ha nuôi tôm - cua thiên nhiên, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng.
Anh Nghiệm hiện là Phó chủ tịch Hội LHTN VN H.Đông Hải. Nhận thấy nhiều thanh niên trong huyện còn khó khăn trong cuộc sống, anh đã chủ động kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, giúp các bạn thanh niên ứng dụng mô hình ương cua giống theo dạng vừa và nhỏ tại gia đình để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với anh Nghiệm qua số điện thoại: 0912411098.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã