Do đó, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phát triển tương đối khá, an ninh lương thực được đảm bảo, sản xuất chuyển dịch theo hướng hàng hóa, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; một số sản phẩm sản xuất và chế biến nông sản như: cam, chè, sữa… đã xây dựng được nhãn hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong năm 2014, sản phẩm chè xuất khẩu được 3.314 tấn, chiếm 26,11% so với tổng sản phẩm chè toàn tỉnh. Sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được vinh danh là một trong 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam.
Những biến động và xu hướng phát triển của thị trường quốc tế đã có những ảnh hưởng nhất định đến sản xuất nông nghiệp trong nước nói chung và nông nghiệp của tỉnh nói riêng. Đặc biệt là xu hướng tiêu thụ sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có thương hiệu, nhãn hiệu với sự giám sát chặt chẽ về chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường sinh thái. Trong khi sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn chịu ảnh hưởng của tập quán sản xuất và trình độ sản xuất của nông dân còn thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao, không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên khó tiếp cận với những thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đất nước hội nhập WTO, tình hình giao thương quốc tế tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu lương thực, nông sản tăng cao ở một số quốc gia, diện tích canh tác nông nghiệp của một số nước phát triển bị thu hẹp. Đây là cơ hội cho phát triển nông nghiệp hướng đến thị trường quốc tế, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải chuyển đổi theo xu thế, yêu cầu mới của thị trường trong nước và quốc tế (giá thành sản xuất và chất lượng sản phẩm).
Các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh hiện nay có 412 ha chè được cấp chứng nhận Rainforest (Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững); 10 ha chè, 05 ha cam được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam); 01 trang trại bò sữa được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Con số trên là khá khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Phát triển nông nghiệp của tỉnh chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn còn phổ biến; khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết bền chặt giữa sản xuất với tiêu thụ, dẫn đến thu nhập của người nông dân còn thấp, chưa ổn định, dễ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường.
Để tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm được gắn thương hiệu, nhãn hiệu đang được xuất khẩu ra thị trường thế giới, chúng tôi đã đến Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm - đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh đang áp dụng quy trình Rainforest với 412 ha chè vùng nguyên liệu của Công ty. Ông Lê Quang Chuyền – Giám đốc Công ty cho biết: để sản phẩm chè được thị trường thế giới chấp nhận, công ty đã đưa vào áp dụng quy trình Rainforest trong sản xuất chè. Khi áp dụng theo bộ tiêu chuẩn quốc tế Rainforest, sản phẩm có giá bán cao hơn từ 30 - 40% so với sản phẩm thông thường.
Ông Chuyền cũng chia sẻ: Với các biện canh tác tiên tiến như hiện nay năng suất chè búp tươi có thể đạt từ 20 – 25 tấn/ha. Tuy nhiên, yếu tố quyết định sống còn và phát triển của ngành chè góp phần gia tăng giá trị, phát triển bền vững là chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn, được những thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ chấp nhận. Đồng thời, sản xuất phải đảm bảo lợi ích cho người nông dân.
Để nhân rộng và áp dụng thành công những mô hình sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng thì giải pháp mũi nhọn là thay đổi cơ chế quản lý sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân, có sự hỗ trợ, giám sát của nhà khoa học, nhà quản lý. Đồng thời, có chiến lược quy hoạch vùng sản xuất an toàn tập trung, phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự báo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm để không lặp lại bài toán chưa tìm ra lời giải “được mùa, mất giá”.
Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, có những chính sách nổi bật như: Hỗ trợ chi phí và đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP cho một số sản phẩm trồng trọt và thủy sản trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ từ 100 đến 365 triệu đồng áp dụng cho các trang trại trên địa bàn tỉnh… Ngày 14/7/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020. Để chính sách, đề án thực sự đi vào cuộc sống thì cần một sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp và PTNT và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nông dân trên địa bàn tỉnh nhằm thay đổi diện mạo, hình ảnh mới của Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang trong xu thế hội nhập quốc tế./.
Hà Thu
Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS Tuyên Quang
theo khuyennongvn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã