Học tập đạo đức HCM

Tỷ phú miền chân sóng

Thứ bảy - 02/12/2017 05:37
Vượt qua thăng trầm trong cuộc sống, vợ chồng anh Phạm Phước Phi (45 tuổi), chị Văn Thị Mười (42 tuổi) ở đội 1, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê (Hải Lăng - Quảng Trị) đã khẳng định được bản lĩnh để trụ vững và vươn lên trở thành “đại gia” nơi miền quê biển đầy nắng gió.

Anh Phi đổ xăng cho khách.

Gian nan lập nghiệp

Bây giờ thì người dân miệt biển Hải Khê đều gọi anh chị là “đại gia” Mười Phi. Nhưng ít ai biết rằng, để có được thành công như bây giờ, họ đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng sự táo bạo mang tính tiên phong, lối suy nghĩ khác người đã giúp anh thành công.

Lúc chúng tôi ghé thăm, anh Phi đang tự tay bơm xăng cho khách tại cây xăng của gia đình đặt ở đầu thôn. Người đàn ông đen nhẻm, rắn rỏi với nụ cười hiền luôn thường trực trên môi tranh thủ nghỉ tay tiếp chuyện chúng tôi. Anh thật thà kể lại câu chuyện đời lắm thăng trầm, sóng gió của mình.

Thanh niên mới lớn, như nhiều chàng trai biển khác, anh cũng theo thuyền ra biển đánh bắt cá, tôm để mưu sinh. Sau đó, anh bất ngờ theo nhiều người làng vượt biên đi Hồng Kông (Trung Quốc) với ước vọng được quá cảnh sang Mỹ tìm kiếm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, anh lại “mắc kẹt” tại trại tị nạn ở Hồng Kông. Trại tị nạn này do Liên Hợp quốc bảo trợ, mỗi người tị nạn được nhận hỗ trợ 1 USD/ngày. Cơ hội đổi đời tan biến, anh và nhiều người trong trại bị trục xuất về nước vào năm 1993. Dù ở trại tị nạn, nhưng anh vẫn tích góp được một số tiền và đổi được 7 chỉ vàng.

Năm 1995, anh kết hôn với chị Mười và lần lượt có với nhau 5 mặt con. Từ số tiền sau “tị nạn”, anh mua chiến thuyền có gắn máy để rong ruổi ra biển kiếm tiền nuôi vợ con. Anh kể, những năm 1996-1997, vợ chồng anh túng quẫn đến nỗi trong nhà chẳng còn hạt gạo để ăn. Vào khoảng năm 1998, xã Hải Khê bắt đầu có điện lưới kéo về. Nhận thấy nghề đi biển vất vả, lại nhiều bất trắc, anh quyết định nghỉ biển. Hai vợ chồng đánh bạo vay mượn anh em, bạn bè đang định cư ở nước ngoài một số vốn mở cơ sở làm nước đá cung cấp cho các thuyền cá, cơ sở thu mua hải sản, quán tạp hóa quanh vùng. “Thời điểm ấy, cả vùng biển Hải Lăng, một số xã lân cận ở Triệu Phong, Thừa Thiên - Huế cũng chỉ có tôi làm nước đá. Giá đá hồi ấy 7.000 đồng/cây mà cũng chẳng có đủ để bán. Nói chung, làm đá thời điểm ấy kiếm được khá nhiều tiền”, anh Phi kể.

Sau nhiều năm, một số nơi lân cận cũng xuất hiện các cơ sở làm đá, công việc của vợ chồng anh không còn tất bật như trước. Năm 2007, anh chính thức đóng cơ sở làm đá để chuyển hướng làm ăn mới. Tích góp được 31 cây vàng từ những ngày làm nước đá, cộng với tiền vay mượn thêm khoảng 25.000 USD của anh em, bạn bè được chừng 1 tỷ đồng, vợ chồng anh quyết định xin mở cây xăng. Và từ đó đến nay, cây xăng dầu mang tên Mười Phi ngày càng ăn nên làm ra. Đây cũng là cây xăng duy nhất ở vùng biển Hải Lăng cũng như một số xã lân cận, cung cấp hầu như toàn bộ xăng dầu cho tàu thuyền, các cơ sở sản xuất trong vùng. Hiện, vợ chồng anh đã đăng ký thành lập DNTN Mười Phi, chuyên kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Nhưng với vợ chồng anh Phi, việc làm ăn như thế vẫn là chưa đủ…

Bản lĩnh Mười Phi

Sự táo bạo trong làm ăn - thất bại rồi thành công từ những nghề được xem là tiên phong vẫn không kịch tính như chuyện nuôi tôm trên cát của vợ chồng anh. Cũng từ năm 2007, khi phong trào nuôi tôm đang rộ lên ở vùng cát ven biển, nghề được xem là “chỉ một canh bạc là đổi đời”, anh đã quyết định đổ tiền bạc đầu tư vào con tôm thẻ chân trắng. Anh đầu tư nuôi 1ha tôm, năm đầu tiên mọi thứ thuận lợi, vợ chồng anh thu được cả tỷ bạc chỉ sau một vụ. Những tưởng “cứ cái đà này” thì chẳng có sức mà đếm tiền từ tôm, thế nhưng, con tôm đâu hề dễ dàng, nó cũng đỏng đảnh, bất thường như thời tiết! Kể từ năm thứ 2 trở đi, một mạch cho đến 5 năm tiếp theo, vợ chồng anh liên tục thất bát, ôm nợ theo con tôm. Nguyên nhân chủ yếu là do: Khi thì gần kề thu hoạch, tôm đổ bệnh chết đỏ hồ; khi thì mưa bão ập đến chẳng kịp trở tay, tôm trôi hết; khi thì phải xuất bán non vì bị nhiễm bệnh… “Hồi ấy, vợ chồng tôi cũng gọi là khá mạnh về tiền bạc mà trụ lâu đến thế, chứ nhiều gia đình chỉ qua vài ba vụ là tán gia bại sản, ôm một đống nợ ngân hàng rồi tha phương. Nuôi tôm như đánh bạc là thế, chỉ cần một vụ trúng lớn là lo được nợ nần cho khoảng 3 vụ thất bại. Nhưng khi thất bát liên miên thì chỉ có… mạt vận. Sau đợt thất bại liên tiếp đó, từ trong tay có sẵn hàng tỷ đồng tiền mặt, vợ chồng tôi trở thành con nợ 3-4 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do mình thiếu hiểu biết”, anh Phi giãi bày. 

Một góc khu ao tôm đang thả nuôi của vợ chồng anh Phi.

Dù vậy, anh vẫn quyết gắn bó với con tôm, vì theo anh chỉ có con tôm là nhanh chóng vực lại nợ nần và có lãi. Nhưng để chắc chắn hơn trong nuôi tôm, anh phải bắt đầu lại, phải học thật kỹ lưỡng những bài học thất bại đắt giá đã nếm trải. Anh bắt đầu chấp nhận treo hồ một thời gian để cải tạo, khử trùng toàn bộ 3 ao (diện tích 1ha), rồi tìm hiểu thật cặn kẽ các khâu kỹ thuật, phòng trị từng loại bệnh, tự tay chọn giống nuôi… Năm 2013, anh bắt đầu thả nuôi tôm trở lại trong tâm trạng hồi hộp, lo âu xen lẫn hy vọng. Hầu như suốt những ngày tháng đó, anh ăn ngủ luôn tại chòi canh tôm của mình. Anh giám sát chặt chẽ mọi di biến động của con tôm từ lúc bé tí bằng đầu kim cho đến khi chuẩn bị xuất bán.

“Lo lắng dữ lắm! Dân nuôi tôm đến lúc hoàn tất bán cho thương lái, tay cầm tiền mới dám nói là mình thắng lợi. Tôi cũng đã trải qua nhiều lo âu đến bạc đầu sau vụ làm lại ấy. May thay trời thương, sau gần nửa năm nuôi, vụ đó tôi lãi hơn 2 tỷ đồng. Rồi những vụ tiếp theo cũng trúng lớn, vừa được mùa vừa được giá. Đến cuối năm 2016, trong khoảng 3 năm, từ 3 ao nuôi, gia đình tôi thu lãi hơn 6 tỷ đồng. Đợt vừa qua, do sự cố môi trường biển, 2 trong số 3 ao bị ảnh hưởng, nhưng ao còn lại cũng thu được trên 1 tỷ đồng, xem như bù đủ chi phí. Hiện tại, tôi đang thả 3 hồ gần đến thời điểm thu hoạch và mọi thứ rất khả quan, dự kiến mỗi hồ thu được ít nhất 7-8 tấn tôm, quy ra được 500 triệu đồng/hồ sau khi trừ chi phí”, anh Phi vui vẻ chia sẻ.

Ở Hải Khê, giới nuôi tôm vẫn nể phục và xem anh Phi như  “vua tôm” thật sự có bản lĩnh. Bởi anh nuôi tôm không chỉ gặp thời, mà cũng đã từng nếm trải thất bại cay đắng và đạt được thành công như hiện tại sau nhiều năm “ăn ngủ cùng tôm”. Ở vợ chồng anh Phi luôn có ý chí, khát vọng mãnh liệt với cách tính toán, lối suy nghĩ, cách làm đột phá để làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, hiện vợ chồng anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.   

Giờ đây, anh chị đã trang trải hết nợ nần và có điều kiện chăm lo tốt nhất việc ăn học cho con. Lần chúng tôi ghé thăm, anh chị đang khởi công căn nhà khá bề thế ngay gần cây xăng. Chị Mười khiêm tốn bảo: “Lâu ni bươn chải làm ăn vẫn ở nhà lụp xụp. Nay có dư dả nên làm căn nhà khang trang, rộng rãi hơn để có chỗ cho cả gia đình ăn ở, sinh hoạt đàng hoàng, con cái có điều kiện học tập tốt hơn”.

 

Về kinh tế gia đình, vợ chồng anh Phi - chị Mười có thể gọi là vững vàng ở vùng quê biển Hải Khê. Và sự đầu tư chăm lo tương lai của con cái thì anh chị cũng được xem là người “chịu chi” nhất. Trong số 5 đứa con nheo nhóc ngày nào, giờ 2 đứa lớn đã được anh chị cho đi du học. Con trai lớn hiện đang theo học ngành điện tử tại Nhật Bản, con gái kế đang theo học y tại Canada, là du học sinh Việt Nam duy nhất trong số 13 em cùng khóa thi đỗ điểm cao chính thức được chọn theo học từ 100 em dự thi đầu vào. Mỗi tháng, vợ chồng anh chị chu cấp cho cả 2 con du học với số tiền 55 triệu đồng.

“Vì tương lai con cái tốt đẹp hơn, vợ chồng tôi sẵn sàng chịu mọi vất vả. Sau này, 3 đứa còn lại nếu học giỏi, chúng tôi cũng sẽ cố hết sức cho chúng được đi du học để mở mang tri thức, tìm kiếm tương lai tươi sáng”, vợ chồng anh Phi quả quyết.

Lê Đức Việt/kinhtenongthon.com.vn

 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập506
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại802,733
  • Tổng lượt truy cập90,866,126
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây