Học tập đạo đức HCM

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập

Thứ tư - 21/10/2020 23:38
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tích cực vận động cán bộ, hội viên đoàn kết, năng động, sáng tạo, tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều điển hình phụ nữ phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc đã khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập.



Trung bình mỗi năm, gia đình chị Hòa thu từ 70-80 tấn thanh long ruột đỏ 
Xứng đáng là người phụ nữ năng động, sáng tạo, tấm gương vươn lên làm giàu ở địa phương, chị Trần Thị Hòa, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch là một trong những người góp phần gây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ, phát triển vươn ra thị trường quốc tế. Thăm trang trại thanh long ruột đỏ của gia đình chị Hòa đúng dịp đang thu hoạch, nhìn những trái thanh long chín rộ đỏ tươi, chúng tôi nhận ra rằng, chính sự cần cù, nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người phụ nữ hiện đại đã tạo nên thành quả ngày hôm nay. Chị Hòa cho biết, trước khi trồng thanh long ruột đỏ, gia đình chị đã từng làm đủ các nghề để phát triển kinh tế như: chăn nuôi lợn, sửa chữa ô tô, mua máy xúc về tự lái phục vụ bà con trong vùng. Sau nhiều thất bại, không thu được lợi nhuận từ các nghề trên, chị đã bàn với chồng đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Sau thời gian dài tìm hiểu thị trường, nguồn đất, gia đình chị được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hỗ trợ về giống và trụ. Năm 2012, vợ chồng chị Hòa đã cải tạo 3,6 ha đất đồi vốn trồng keo lai, bạch đàn không hiệu quả để đầu tư cho thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, lứa thanh long đầu tiên thu hoạch kết quả không như mong muốn, quả có giá trị quá thấp, không được thị trường đón nhận. Vợ chồng chị quyết không bỏ cuộc, tiếp tục tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các vùng trồng thanh long lớn trong nước; chị đã đến cả các tỉnh miền Nam tìm hiểu về giống và cách trồng, chăm bón. Sau khi biết gia đình đã mua phải giống thanh long ruột đỏ kém chất lượng, anh chị chuyển sang trồng loại giống mới, cả vụ năm 2014 thu được 10 tấn thanh long với giá từ 58.000-60.000 đồng/kg. Bước đầu có kết quả, tiếp thêm động lực cho chị Hòa phát triển loại nông sản này. Đến năm 2015, vườn thanh long của gia đình chị đạt 30 tấn quả; năm 2016, chị thu hoạch 40 tấn; năm 2017 là 50 tấn thanh long ruột đỏ; sản lượng, chất lượng quả, độ đồng đều tăng dần qua các năm. Đến nay, bình quân mỗi năm, sản lượng thanh long gia đình chị thu được từ 70 – 80 tấn quả với giá trị khoảng gần 1,5 tỷ đồng; không những thế, còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng và khoảng 20 lao động thời vụ.
Đặc biệt, do được sản xuất theo quy trình hoàn toàn sạch nên quả thanh long trong vườn nhà chị luôn bảo đảm được hương vị đậm đà và màu sắc đẹp. Năm 2015, sản phẩm đã được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap và sau nhiều lần được các công ty nước ngoài khảo sát và đưa mẫu đi xét nghiệm, cuối tháng 10/2016, gia đình chị đã xuất khẩu lứa quả đầu tiên đi Malaysia với khối lượng 1 tấn. Năm 2019, thanh long ruột đỏ của gia đình chị tiếp tục vươn sang thị trường: Úc, Đài Loan, Hồng Kông.
Năm 2017, gia đình chị đã sản xuất thành công siro thanh long; hiện chị đang tìm tòi, thử nghiệm thêm sản phẩm mới: rượu thanh long.
Hơn 30 năm công tác trong ngành y, trải qua nhiều vị trí khác nhau, thầy thuốc ưu tú, bác sỹ Hà Thị Minh Hạnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh luôn nỗ lực, cống hiến công sức, trí tuệ để hoàn thành những công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các đề tài của chị sau khi nghiên cứu đều được ứng dụng vào điều trị, mang lại hiệu quả cao, được bệnh nhân tin dùng, góp phần tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị. Trong đó, phải kể đến một số đề tài như: Nghiên cứu tác dụng của viên “Khang Thanh” trên bệnh nhân hội chứng chuyển hóa; nghiên cứu tác dụng của thuốc tiêu gout thang trên bệnh nhân gout; nghiên cứu bài thuốc an xoang điều trị viêm xoang mũi; nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất và đánh giá tác dụng điều trị của bài thuốc viên “Khang dương VP” trên bệnh nhân suy giảm sinh lý nam tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc năm 2019-2020…

Các đề tài nghiên cứu khoa học của chị Hạnh đã góp phần hiệu quả
trong công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh 

Gần đây nhất là đề tài Nghiên cứu các loại dược liệu, bài thuốc, điều chế viên Khang não VP trong điều trị rối loạn tuần hoàn não tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc. Đề tài thực hiện trong 2 năm với mục tiêu, năm 2018 tìm hiểu, nghiên cứu các dược liệu để xây dựng thành bài thuốc Khang não VP có tác dụng chữa trị chứng bệnh rối loạn tuần hoàn não; năm 2019 sản xuất được bài thuốc Khang não VP dạng viên đạt tiêu chuẩn chất lượng. Với nỗ lực không ngừng, bác sỹ Hạnh đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, năm 2018, bài thuốc được sản xuất dưới dạng nước sắc đóng túi, năm thứ hai (năm 2019) bài thuốc được sản xuất dưới dạng viên nén. Chị Hạnh cho biết: Qua nghiên cứu nhóm gồm 72 bệnh nhân sử dụng bài thuốc Khang não VP dạng sắc, 100 bệnh nhân dùng bài thuốc dạng viên, kết quả cho thấy hiệu quả đáng kể đối với bệnh lý rối loạn tuần hoàn não, thuốc không gây bất kỳ tác dụng phụ nào. Thời gian tối thiểu sử dụng thuốc là 14 ngày, bước đầu được các bệnh nhân ưa thích sử dụng. Kết quả điều trị sau 14 ngày, tỷ lệ đỡ nhiều và khỏi của nhóm nghiên cứu chiếm 87,5% dạng sắc và 91% viên nén; không có trường hợp nào là không đỡ.
Nghiên cứu công thức và quy trình bào chế viên an xoang trong điều trị viêm xoang mạn tính cũng là một trong những thành công của bác sỹ Hạnh. Hiện sản phẩm viên an xoang đang được bào chế, sử dụng rộng rãi tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc. Để hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực y khoa, đòi hỏi người thầy thuốc không chỉ vững về chuyên môn mà còn phải cần cù, bền bỉ, sáng tạo. Theo bác sỹ Hạnh, phụ nữ làm quản lý đã khó, càng vất vả hơn khi nghiên cứu khoa học. Nhưng vì đam mê, chị đã vượt qua tất cả. Cũng từ nghiên cứu khoa học, chị đã mạnh dạn phối hợp phương pháp khám chữa bệnh y học cổ truyền và y học hiện đại, mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh tại bệnh viện.
Không chỉ chị Hòa, chị Hạnh, nhiều phụ nữ đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc trong thời kỳ đổi mới. Điển hình như chị Kiều Thị Nhàn, hội viên phụ nữ xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô xuất thân từ gia đình nông dân với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng chị nuôi chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chị cùng gia đình bàn bạc và quyết định nuôi ếch, rắn, ba ba để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Nắm bắt thị trường, chị quyết định vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kết hợp vay vốn giải quyết việc làm để mở đại lý nhập và xuất khẩu chuối, mít sang thị trường Trung Quốc với quy mô lớn; tiếp tục mở rộng kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho 30 lao động trong và ngoài xã. Hiện thu nhập bình quân của gia đình chị từ 200-300 triệu đồng/năm. 
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Vĩnh Phúc đã làm tốt vai trò người "giữ lửa" trong mỗi gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng nếp sống văn minh, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Các hoạt động như: Phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ làm kinh tế giỏi, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nhà mái ấm tình thương, thực hành tiết kiệm theo gương Bác... đã tạo nên phong trào rộng khắp, thường xuyên trong các cấp hội phụ nữ. 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 8.500 hộ phụ nữ nghèo được các cấp Hội giúp đỡ thường xuyên bằng tiền, lương thực, cây, con giống các loại, 3.000 hộ trong số này đã thoát nghèo. Thực hiện phong trào "phụ nữ Vĩnh Phúc tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội", các hội viên phụ nữ đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án và mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, hội viên phụ nữ các cấp trong tỉnh luôn năng động, thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều người trở thành các chủ doanh nghiệp, nữ doanh nhân giỏi trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động và có những đóng góp tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội. Lực lượng nữ doanh nhân cũng đã phát triển về cả số lượng và quy mô, nỗ lực vượt khó và đứng vững trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Cùng với đó, đội ngũ nữ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động không ngừng phấn đấu rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; tích cực nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, cải tiến phương pháp làm việc, mạnh dạn, linh hoạt trong quản lý, điều hành công việc, dám nghĩ, dám làm, vượt lên khó khăn, thách thức để trở thành người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh và tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ phụ nữ Việt Nam.
Hồng Yến

Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập217
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại872,853
  • Tổng lượt truy cập90,936,246
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây