Chuyển đổi cây trồng
Hội Nông dân xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên là một trong những xã miền núi của huyện bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình BĐKH hiện nay. Với tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 715ha, tập trung chủ yếu là lúa, mía, sắn nhưng năng suất và sản lượng thấp do thiếu nước tưới, đầu ra bấp bênh… Trong khi đó, đậu phộng là loại cây trồng ngắn ngày có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, là cây trồng quan trọng trong hệ thống xen canh, luân canh với các loại cây trồng khác, đặc biệt có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cải tạo đất đối với những vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng… Trước tình trạng đó, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ về kỹ thuật và tài chính cho Hội Nông dân huyện thực hiện dự án Xây dựng mô hình liên kết nâng cao hiệu quả của vùng sản xuất đậu phộng thích ứng BĐKH nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, Trưởng Ban điều hành dự án, cho biết: “Dự án được triển khai trong 24 tháng, thực hiện trong 2 vụ (vụ đông xuân 2019-2020 và vụ đông xuân 2020-2021), trong đó năm 2019 xây dựng mô hình liên kết sản xuất đậu phộng theo chuỗi gắn với bao tiêu và chế biến dầu đậu phộng vụ đông xuân 2019-2020 với quy mô 5ha, có 33 hộ tham gia tại xứ đồng Soi Sủng, thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2”. Cũng theo ông Kim, để tăng cường năng lực cho cộng đồng nhằm thực hiện, quản lý, đánh giá dự án đạt kết quả tốt, trước khi triển khai mô hình, ban điều hành dự án đã khảo sát chọn giống đậu phộng L14, chọn các hộ khi tham gia phải đảm bảo các điều kiện về năng lực kỹ thuật, nhiệt tình; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ trước khi xuống giống và hướng dẫn cho nông dân trên đồng ruộng định kỳ theo các giai đoạn sinh trưởng của cây đậu phộng. Mô hình được xây dựng theo hướng sản xuất VietGAP nên được hỗ trợ các thủ tục kiểm tra, đánh giá đậu phộng đạt tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời với việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Xuân Phước, huyện Đồng Xuân đã ổn định đầu ra cho bà con nông dân, định hướng cho nông dân tham gia liên kết sản xuất đậu phộng theo chuỗi gắn với bao tiêu và chế biến dầu đậu phộng.
Bà Phạm Thị Kim Phương ở thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình do GEF hỗ trợ, tôi học được cách trồng, bón phân sao cho đủ lượng để đậu phộng sinh trưởng và phát triển tốt, cách tỉa dặm, xới xáo, làm cỏ. Khi đậu phộng có 2 lá nên tỉa dặm để đảm bảo mật độ; khi có 3-5 lá thì nhổ cỏ, xới xáo đất, kết hợp bón thúc; khi có 9 lá, đậu phộng bắt đầu ra hoa thì cuốc cỏ xới sâu 5-6cm gần gốc; khi hoa đợt một tàn thì bón phân, vôi còn lại, kết hợp vun gốc cho cây. Ngoài ra, tôi cũng hiểu được tác hại của BĐKH, những nguyên nhân gây ra nên tôi đã tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách bón phân, thuốc hóa học hợp lý”.
Tạo vùng chuyên canh
Việc triển khai mô hình liên kết sản xuất đậu phộng theo chuỗi gắn bao tiêu và chế biến dầu đậu phộng đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho bà con nông dân trực tiếp tham gia và tạo điều kiện cho bà con nông dân trong vùng tham quan học tập về việc trồng đậu phộng trên những vùng đất trồng lúa thiếu nước tưới hoặc canh tác cây màu hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng chuỗi sản phẩm sản xuất từ đậu phộng VietGAP giúp nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con tham gia mô hình.
Ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang 2, thành viên Ban điều hành dự án, cho hay: “Những năm trước đây, một số hộ nông dân trong xã cũng đã trồng đậu phộng, tuy nhiên do thiếu kỹ thuật canh tác, giống đậu phộng qua nhiều năm sản xuất bị thoái hóa, lẫn tạp, mang nhiều mầm bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao. Với mô hình mới này, qua thực tế sản xuất của nông dân cho thấy, nếu trồng đậu phộng vào vụ đông xuân sẽ cho năng suất ước đạt 32,5 tạ/ha, hiệu quả kinh tế ước đạt hơn 30 triệu đồng/ha. So với trồng lúa thì trồng đậu phộng lãi gấp 3-4 lần. Ngoài ra, nông dân còn tận thu thân, lá sau khi thu hoạch để làm thức ăn chăn nuôi, hoặc sử dụng làm nguồn phân xanh…”.
Tại hộ của ông Nguyễn Khắc Trường ở thôn Phước Huệ, cho biết: “Nhà tôi có 1.000m2 đất thường ngập lụt vào mùa mưa và nắng hạn vào mùa khô nên mỗi năm chỉ trồng bắp. Vụ đông xuân 2019-2020, gia đình tôi được chọn tham gia dự án của GEF, nhờ chịu khó đầu tư chăm sóc và thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật nên hiệu quả mang lại khá cao, giúp tăng nguồn thu nhập”.
Thành công bước đầu của dự án trên ở xã Xuân Quang 2 đã từng bước thay đổi thói quen canh tác cũ của bà con, hình thành nhận thức mới về nguy cơ của BĐKH. Ngoài ra, mô hình đã giải quyết công lao động nhàn rỗi tại địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Kim, để thực hiện thành công dự án và khuyến khích nông dân áp dụng làm theo, cần tiếp tục vận động các hộ tham gia thực hiện mô hình vụ đông xuân 2020-2021 và mở rộng quy mô để tạo thành vùng chuyên canh trồng đậu phộng theo chuỗi liên kết. Đồng thời cần đầu tư hệ thống kênh mương, củng cố các giếng nước đã có nhằm đảm bảo chủ động nước tưới, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung để dễ theo dõi, kiểm tra.
Theo MH/mard.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã