Tác động tích cực
Theo đánh giá, chính sách hỗ trợ từ Quyết định 50 đã tạo nên những chuyển biến tích cực cho nhiều địa phương trên cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi nông hộ (vốn chiếm tỷ lệ hơn 80% phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh). Đặc biệt, đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang có chuồng trại, nhất là tại các huyện miền núi; công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được nâng lên.
Trên địa bàn Quảng Nam, trong 6 năm qua đã có 179 con trâu đực giống và 289 con bò đực giống lai Zêbu (tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng) được hỗ trợ cho người dân, là điều kiện quan trọng để cải tạo chất lượng đàn trâu bò, nhất là nâng cao tỷ lệ bò lai. Đồng thời tạo điều kiện cho chăn nuôi trâu bò lai tại các địa phương không có điều kiện phối giống nhân tạo.
Nhiều địa phương được hỗ trợ bình chứa nitơ góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu trang thiết bị phục vụ công tác cải tạo chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gia súc, hình thành đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, hạn chế sự lây lan dịch bệnh do quá trình phối giống trực tiếp; xử lý chất thải phù hợp điều kiện chăn nuôi nông hộ, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Các mô hình dịch vụ thú y trọn gói được hình thành và phát triển ở nhiều địa phương cũng đã góp phần nâng tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Từ đó, tạo điều kiện cho người chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong quá trình thực hiện Quyết định 50 trên địa bàn tỉnh phát sinh một số vướng mắc, đồng thời hệ thống văn bản áp dụng để quy định điều kiện hỗ trợ đã hết hiệu lực.
Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh đã cấp ngân sách hơn 27,1 tỷ đồng thực hiện chính sách, trong đó chi hơn 19,4 tỷ đồng triển khai các nội dung hỗ trợ...
Tạo "cú hích" mạnh
Những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cũng được nhận diện, nêu rõ tại hội nghị. Trong đó, kết quả thực hiện đạt tỷ lệ thấp, nhiều nội dung hỗ trợ khó triển khai do tập quán chăn thả rông ở một số vùng, mạng lưới thú y quá mỏng về nhân lực lẫn dịch vụ.
Công tác tuyên truyền chưa được triển khai sâu rộng dẫn đến người chăn nuôi chưa hiểu rõ về các chính sách nên có tâm lý e dè, không mặn mà với những cơ chế hỗ trợ. Đặc biệt, trong 2 năm 2019 - 2020 bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, mọi nguồn lực đều tập trung cho công tác phòng chống nên đã tác động đến quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ.
Xuất phát từ thực tế trên, ngành nông nghiệp Quảng Nam đề nghị các bộ, ngành ở trung ương trên cơ sở kế thừa chính sách của Quyết định 50, nên mở rộng thêm một số nội dung hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận nhiều hơn với cơ chế ưu đãi của Nhà nước.
Cụ thể, nâng mức hỗ trợ đối với chăn nuôi trâu bò và mở rộng diện hỗ trợ đối với chăn nuôi một số loài vật như heo, dê, gà sinh sản...; xem xét chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ theo hướng không hỗ trợ đối với chăn nuôi quá nhỏ lẻ; khuyến khích nâng dần quy mô, hỗ trợ gắn với điều kiện tham gia liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giảm giá thành sản phẩm, tránh các rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, chăn nuôi nông hộ vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của nông dân. Trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn năm 2045, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn, vẫn cần quan tâm đến chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống với những sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương thời gian tới tiếp tục nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh. Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như hiện nay, muốn bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi thì phải giải quyết đồng bộ về cơ chế chính sách hỗ trợ, áp dụng an toàn sinh học, huy động được các nguồn lực vào phát triển chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.
Theo Báo Quảng Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã