Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhưng số doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn tại Vĩnh Tường còn rất khiêm tốn
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, huyện Vĩnh Tường đã chủ động quy hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo vùng, đầu tư các công trình hạ tầng thủy lợi, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn bảo đảm kết nối thuận tiện; xây dựng một số cánh đồng mẫu, đưa những giống cây trồng mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao vào trình diễn; đẩy mạnh hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới… Tuy nhiên, đến nay, địa phương vẫn chưa thu hút được nhiều chủ thể, nhất là doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, kể cả đối với một số xã, thị trấn có tiềm năng và điều kiện phát triển sản phẩm thế mạnh, chủ lực số doanh nghiệp tham gia cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Vĩnh Tường đã đẩy mạnh các chương trình, giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó, đặc biệt quan tâm bố trí, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ đất đai phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có 8 xã thực hiện dồn thửa đổi ruộng với tổng diện tích sau dồn đổi hơn 1.300 ha. Tuy nhiên trên thực tế, hiện huyện chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ cá thể có nhu cầu sử dụng nhiều đất áp dụng còn do từ trước đến nay phần lớn nông dân chưa từng liên kết sản xuất lớn nên vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, không muốn phụ thuộc; một số hộ dân còn tư tưởng sợ mất đất canh tác, làm ruộng để giữ đất, ngại giao đất hoặc cho doanh nghiệp thuê lại đất.
Không chỉ riêng Vĩnh Tường, việc chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư phát triển nông nghiệp là thực trạng của hầu hết các địa phương trong tỉnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh chỉ có hơn 50 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này với quy mô hoạt động chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do việc chuyển đổi linh hoạt đất lúa và tích tụ đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số chính sách Nhà nước ban hành hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản khó tiếp cận vốn, một dự án muốn nhận được tiền hỗ trợ phải qua nhiều bước với hàng chục thủ tục, rất rườm rà, trong khi lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp nên kém hấp dẫn, khó kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp; nông sản thiếu thị trường tiêu thụ; năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó phải kể đến quyết định hỗ trợ 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp cùng những cơ chế riêng của tỉnh nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 57 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đặc thù trong khuôn khổ quy định và thực tiễn khách quan của tỉnh.
Mới đây nhất, trước bối cảnh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngày 15/9/2020, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 7048 về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, giao các sở, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của của Trung ương, của tỉnh về tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khẩn trương rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh. Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm, tích cực tìm kiếm đối tác, tham gia đàm phán và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đẩy mạnh xuất khẩu các nông sản có lợi thế của tỉnh như: Thịt lợn; thịt và trứng gia cầm; rau quả, chuối, thanh long ruột đỏ…; xây dựng chính sách về cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tháo gỡ khó kahwn về nguồn vốn trên cơ sở cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ thị trường, giao dịch vay vốn mới, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Mai Hương/vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã