Ông Nguyễn Văn Lượng ở ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ có 1 ha ruộng áp dụng mô hình 1 lúa + 2 màu thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Sau khi thu hoạch vụ lúa ĐX, ông lên liếp tiếp tục xuống giống dưa hấu vụ xuân hè. Vụ này dưa thường trúng giá hơn vụ khác. Sau khi trừ chi phí còn lời mỗi công dưa từ 7 - 10 triệu đồng, nếu trồng lúa chỉ lời khoảng 2 triệu.
Theo ông Lượng, dưa hấu rất dễ trồng nhưng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm đất, lên liếp, xuống giống cho đến khâu chăm sóc. Đặc biệt là tưới nước và xử lý phân thuốc đúng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Thị trường đang có khá nhiều giống dưa nổi tiếng như An Tiêm, Hắc Mỹ nhân, Tiểu Yến, Hồng long, Mặt trời đỏ… Người trồng phải tùy đất, tùy vụ mà chọn giống cho thích hợp. Từ ba năm nay, ông Lượng đã chọn giống Bảo Long cho thịt đỏ, săn chắc, giòn và rất phù hợp với đất Trường Xuân. Nhờ vậy mà ông đều trúng đậm cả 2 vụ trong năm, cuộc sống khấm khá hơn.
Bí quyết của ông Nguyễn Văn Lượng là khâu xới đất, lên liếp, rải phân phải đúng quy cách kỹ thuật. Ngoài ra, ông cũng rất quan tâm đến việc trải màng phủ, ươm hột và ngăn ngừa dịch bệnh, côn trùng. Sau 15 - 20 ngày kể từ khi gieo hạt ông bắt đầu bấm ngọn, chỉ cần để lại ba chồi và giữ trái ở đốt thứ 11 trở đi. Chăm sóc theo cách này cây sẽ phát triển mạnh, kháng sâu bệnh tốt, da trái màu xanh đen, sọc đậm thưa, trái to, nặng từ 3 - 5 kg và chỉ sau 60 ngày là thu hoạch.
Những ngày này đi dọc kênh của ấp Trường Khương thấy không khí tất tật thu hoạch dưa hấu ngoài ruộng, thương lái đậu ghe chờ hàng. Vụ dưa năm nay giá khá tốt, dao động từ 3.500 - 4.000 đ/kg nên bà con phấn khởi.
Cũng tại xã Trường Xuân, ông Nguyễn Văn Dẫu có 4 công đất ruộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa + 1 vụ dưa xuân hè, kết quả thật khả quan. Ông Dẫu cho biết chi phí đầu tư cho 1 công dưa chỉ mất khoảng 4 triệu đồng, cho năng suất bình quân 4 tấn, giá bán tại ruộng 3.700 đ/kg, trừ hết chi phí còn lời gần 26 triệu.
Ông Dẫu cho biết, nhiều năm qua chỉ biết làm lúa riết không có lãi, thấy bà con hàng xóm trồng dưa trên đất ruộng trúng quá, vì vậy ông đã làm theo và cho thu nhập cao nhiều lần so với trồng lúa. Theo ông, muốn đạt hiệu quả cao cho cây dưa, khâu chăm sóc phải đặt lên hàng đầu, phải chú ý từng thời kỳ phát triển của dây. Lúc dưa ra hoa, đậu trái cần bón phân gì và sử dụng loại thuốc nào cho hiệu quả tốt nhất, vì dưa hấu là loại cây rất dễ bị héo dây và sâu bệnh tấn công.
Kỹ thuật lên liếp cũng cần hết sức quan tâm. Có người lên liếp chiếc rộng 1,7 m, có người lên liếp đôi rộng 3,5 m. Nhưng theo ông Dẫu, liếp chiếc có nhiều ưu điểm hơn, thoáng và dễ thoát nước hơn.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, nếu áp dụng tốt những TBKT, phân, thuốc đầy đủ, hệ thống tưới tiêu an toàn, nguồn nước không nhiễm bẩn, mỗi công dưa có thể trồng 2.500 dây, thu hoạch khoảng 3,5 - 4 tấn. Điều phấn khởi hơn nữa là người trồng dưa không sợ đầu ra và ép giá. Khi vừa tới vụ là đã có thương lái đến hợp đồng mua đứt bán đoạn, chủ dưa không cần phải vận chuyển đi xa. Ăn xong vụ này xuống tiếp vụ dưa hè thu, sau đó mới trở lại xuống giống vụ lúa thu đông.
Ông Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân: Mô trồng dưa hấu trên đất luân canh với lúa nước là giải pháp tối ưu, vừa giúp nông dân có thêm thu nhập vừa cải tạo đất, tăng thêm màu mỡ cho ruộng lúa, tiết kiệm được phân bón vụ sau. Toàn xã có 20 ha trồng dưa hấu trên đất ruộng đều cho hiệu quả cao, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con mở rộng luân canh vụ tới. |
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã