Ông Phạm Văn Hà, GĐ Lifsap Hải Phòng cho biết, hiện tại, đơn vị này đã xây dựng được 4 vùng dự án tại các huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Dương. Lifsap Hải Phòng thực hiện đẩy mạnh công tác truyền thông bằng các loại hình nghe, nhìn, viết. Đặc biệt, đề tài chăn nuôi theo mô hình VietGahp được lồng ghép sâu vào các đợt Hội chợ, cả trong và ngoài thành phố.
Tại vùng quê xã Biên Giang (huyện Vĩnh Bảo), phong trào chăn nuôi cứ hừng hực như làng mở hội. Hộ gia đình ông Lương Văn Mộc lúc nào trong chuồng cũng có gần trăm con lợn thịt. Ông Mộc được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm Gahp số 5 của xã Giang Biên.
Ông Mộc cho biết, xã có 230 hộ chăn nuôi theo mô hình VietGahp, được chia thành 10 nhóm nhỏ. Nhóm được thành lập theo quyết định của UBND xã. Kinh phí hoạt động, các thành viên trong nhóm bàn bạc và tự nguyện đóng góp. Trung bình mỗi lứa, nhóm Gahp 5 xuất ra thị trường khoảng 750 đầu lợn.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn bán cho thương lái quen. Cứ khi nào lợn xuất chuồng thì họ đến thu mua. Giá cả thì theo thị trường, lứa được lứa mất, nói chung là vẫn bấp bênh lắm”, ông Mộc chia sẻ.
Hộ ông Lương Văn Mịch (cùng xã Giang Biên) thì cho hay, mỗi lứa gia đình xuất khoảng 70 đầu lợn. Với giá lợn 42 nghìn đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi đã có lãi. “Nhà tôi thì con nào to bán trước, nhỏ bán sau. Quen ai thì gọi người ta vào bắt. Nhiều năm bị thương lái ép giá lỗ chổng vó”, vợ ông Mịch cho biết thêm.
Để đảm bảo vấn đề VS ATTP, Lifsap Hải Phòng đã nâng cấp 15 cơ sở giết mổ cùng 23 chợ, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn VietGahp. Chủ cơ sở giết mổ Nguyễn Văn Hoàn, xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Bảo) cho biết, đầu năm 2013, dự án Lifsap hỗ trợ 2.600USD, xây mới lại toàn bộ khu giết mổ. Gia đình ông Hoàn bỏ thêm 50 triệu đồng để hoàn thiện công trình.
Bà Phạm Thị Thoa (vợ ông Hoàn) chia sẻ bảo, mỗi ngày gia đình giết mổ từ 5 – 7 con lợn. “Nhà tôi đi bắt lợn từ những hộ trong mô hình Gahp sau đó giết mổ, bán cho các tiểu thương kinh doanh ngoài chợ. Từ ngay làm theo quy trình mới, làm ăn thuận lợi hẳn chú ạ. Môi trường được đảm bảo, người dân thì tin tưởng mình hơn”, bà Thoa hồ hởi.
Ông Nguyễn Bá Lương, GĐ Kinh doanh – Marketing Cty Eu Food cho biết, nhu cầu thực phẩm sạch đang là vấn đề hết sức thiết yếu của xã hội. Đơn vị này sẵn sàng “bắt tay” cùng địa phương cũng như người chăn nuôi giải quyết khâu đầu ra của sản phẩm. “Tuy nhiên, nói là an tâm vào dự án hay không chúng tôi chưa trả lời được. Chúng tôi chỉ an tâm khi hàng hóa của bà con có người đứng ra đảm bảo VS ATTP. Thứ 2 là sản lượng phải đảm bảo. Chúng tôi đang trong quá trình khảo sát đánh giá, tiến tới sẽ làm việc với BQL dự án Hải Phòng, dự án TW. Từ đây sẽ đưa ra được quyết định sẽ tham gia ở mức độ nào. Nếu các bên đảm bảo được các yêu cầu, chúng tôi luôn sẵn sàng”. Ông Lương khẳng định, không gì tốt bằng đầu tư cho người nông dân. Đồng thời, chính những người nông dân sẽ đảm bảo được nguồn thực phẩm mà đơn vị này đang phải nhập khẩu. Hiện, Eu Food đang phải nhập nhiều loại thực phẩm như thịt bò, cừu, dê, cá hồi… từ Mĩ, Úc, Niu Di Lân và Na Uy. Trao đổi với NNVN, vị GĐ này khẳng định, nếu sản phẩm trong nước đảm bảo được điều kiện VS ATTP cũng như chất lượng, Eu Food sẽ ưu tiên thị trường trong nước.
Bởi lẽ, Eu Food hiện có lượng khách hàng lớn từ lâu, lượng tiêu thụ tương đối ổn định. Dẫu vậy, đơn vị này cũng đã lường trước rủi ro khi quyết định “nhảy” vào dự án. Điều mà ông Lương băn khoăn nhất vẫn là chất lượng sản phẩm. “Nếu chúng ta không kiểm soát kĩ quy trình sẽ gặp rủi ro.
Thứ hai, quá trình truyền thông của dự án như thế nào để đem lại lợi ích lớn nhất cho người nông dân cũng như DN tham gia vào dự án. Dân tin thì dân sẽ làm, bởi dân là người hưởng lợi, đây là dự án từ TW xuống giúp người dân cải tạo môi trường tốt, cơ sở giết mổ sạch, chợ được nâng cấp lên…”, ông Lương chia sẻ.
Cùng với những băn khoăn, đại diện Cty Eu Food cũng đưa ra một vài đề xuất với địa phương như tạo điều kiện cho DN tham gia ở những khâu nào, nên trả lời rõ để DN được biết. Sớm đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ như nào để DN có thể tham gia.
Từ đó, DN lượng sức xem có đảm bảo được hay không chuỗi liên kết này hay không. “Khi đầu tư rồi mong địa phương tạo cơ chế thông thoáng để chúng tôi hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm”, ông Lương chốt lại.
Chia sẻ với NNVN, Ông Tôn Thất Sơn Phong, GĐ Dự án Lifsap Trung ương (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này vẫn tiếp tục đẩy mạnh tổ chức truyền thông, quảng bá cho người dân biết về dự án thông qua các kênh đài báo, các cuộc hội thảo. Một hình thức nữa là gắn công tác truyền thông với các Hội như Hội Phụ nữ, Nông dân, Thanh niên…
Tuyên truyền liên tục, rộng khắp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Với đối tượng là đồng bào DTTS, ông Phong cho hay, Lifsap sẽ tiến hành lồng ghép nội dung của dự án vào các lễ hội. “Đến thời điểm hiện tại, cái được lớn nhất của công tác truyền thông là nhiều người dân đã biết đến Lifsap. Nhiều “chợ Lifsap” được hình thành.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền cho người dân vẫn phải theo một lộ trình dài hạn, vừa tiến hành vừa chỉnh sửa để hoàn thiện hơn”, ông Phong chia sẻ.
Theo kế hoạch, Lifsap Hải Phòng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuỗi sản phẩm sạch từ khâu chăn nuôi đến thu mua, chế biến, tiêu thụ. Đảm bảo tốt các cơ chế, chính sách cho những DN tham gia vào dự án.
“Đưa TBKT vào SX, đưa KHCN vào chăn nuôi sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cải tạo cơ sở vật chất kĩ thuật theo quy trình Gahp, để chính người dân làm chủ quy trình chăn nuôi, SX. 4 vùng Gahp của chúng tôi phát triển sẽ gắn chặt với xây dựng NTM, phải có Gahp thì xây dựng NTM mới dễ dàng”, ông Hà nói.