Học tập đạo đức HCM

“Bạc mặt” lấy nước hè thu

Chủ nhật - 08/06/2014 23:17
Chưa năm nào người nông dân lại phải đối mặt với hạn hán gay gắt như bây giờ. Mới chỉ đầu vụ sản xuất hè thu, nhiều diện tích đã biến thành những vùng đồng khô cỏ cháy vì thiếu nước. Nguy cơ không hoàn thành kế hoạch hè thu đang hiện hữu…

Ruộng mỏi mắt chờ nước…

4giờ chiều, cái nắng vẫn hầm hập như đốt trên lưng. Đã nhiều ngày trôi qua, kể từ ngày lịch mở nước phục vụ sản xuất hè thu bắt đầu nhưng cánh đồng của thôn Thái Đông, Thạch Lâm (Thạch Hà) vẫn cạn kiệt. Ruột gan như lửa đốt, bà con nông dân đành vác cuốc ra đồng làm đất trên ruộng cạn. Nhát cuốc nện xuống làm tung bụi mù mịt, khô khốc. Chị Lê Thị Thủy cho biết: “Từ ngày 22/5, lúa xuân đã cho thu hoạch, tưởng rằng, có thể gieo cấy hè thu sớm hơn nhưng ruộng gặt xong “treo” cả nửa tháng chờ nước. 7 sào ruộng nhà tôi đều thế này cả, chừng này năm ngoái lúa đã lên xanh rồi”.

“Bạc mặt” lấy nước hè thu
Bà con nông dân xã Thạch Lâm (Thạch Hà) làm đất trên cánh đồng khô hạn.

Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, giờ nằm trơ gốc rạ vàng cháy, bờ bãi, kênh mương cạn nứt nẻ. Ông Trần Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã nằm vào cuối kênh tưới N1-65 và N1-5 của Kẻ Gỗ nên nguồn nước về đến địa phương chậm, không đủ điều tiết vào chân ruộng xa. Mặc dù kết thúc vụ xuân sớm (trước 30/5), hiện nay, toàn xã chỉ mới “phủ” nước được 25% diện tích sản xuất vụ hè thu. Chưa bao giờ hạn hán lại gay gắt từ đầu vụ như năm nay, không có nước, bà con không thể làm đất, gieo cấy được. Nếu tình trạng này kéo dài thì khả năng bỏ hoang ruộng hè thu rất cao vì Thạch Lâm là vùng hạ du của Kẻ Gỗ, nếu chậm tiến độ, toàn bộ diện tích sẽ “làm mồi” cho mưa lụt”. Được biết, mấy ngày qua, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã nỗ lực điều tiết “ép” nước về cho xã, tuy nhiên, đường tưới xa cộng nền nhiệt tăng cao cực độ đã làm tăng khả năng bốc hơi của nước mặt. Cực chẳng đã, nguồn nước từ sông Ngàn Mọ cũng tăng tỷ lệ nhiễm mặn vì nắng nóng, khiến cho mọi khả năng điều tiết đều bất lực.

Lịch gieo cấy lúa hè thu sắp khép lại (10/6), nhiều địa phương vẫn đang đau đầu với chuyện nước tưới. Ở Cẩm Xuyên, đến thời điểm này cũng mới chỉ gieo cấy trên 50%. (trong tổng số 8.400 ha) dù được xem là vùng lúa luôn tạo nên bứt phá về tiến độ nhờ cơ giới hóa. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Nước tới đâu, huyện chỉ đạo bà con làm đất và gieo cấy đến đó nhưng nước về không kịp nên muốn đẩy nhanh tiến độ cũng chịu. Huyện đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh lên phương án điều tiết hợp lý, song tình hình khá căng thẳng vì nhu cầu quá lớn, trong khi nắng nóng vẫn kéo dài”. Tình trạng khô hạn đang xảy ra khắp nơi từ đồng bằng lên miền núi. Chưa bức thiết như ở các huyện vùng xuôi vì nông dân đang tập trung, thu hoạch lạc, ngô, nhưng đơn vị quản lý thủy lợi và địa phương đều rất cẩn trọng chuyện “thả” nước, đảm bảo đổ nước tập trung, tránh lãng phí. Có điều, ở nhiều vùng, bà con nông dân phải chấp nhận mạ già… chờ nước.

Hiện tại, các đơn vị quản lý thủy lợi đã mở nước đạt công suất thiết kế. Tuy nhiên, đây là lần đổ nước tập trung đầu tiên của vụ sản xuất hè thu 2014, nhu cầu cần nước tưới gần như đồng loạt để phục vụ công tác làm đất và gieo cấy ở các địa phương. Thời gian này trùng với đợt nắng nóng cực điểm đã làm cho nguồn nước dự trữ ao hồ, chân ruộng cạn kiệt, làm gia tăng căng thẳng nguồn nước tưới. Dự kiến, đợt mở nước này sẽ kết thúc vào 13 - 15/6.

“Cuộc chiến” giành nguồn nước…

Nằm ngay đầu nguồn Kẻ Gỗ nhưng phải trắng đêm canh chừng mất cả tuần lễ, ông Nguyễn Hữu Đức (Thạch Tân -Thạch Hà) mới lấy đủ nước cho ruộng nhà. Ông chia sẻ: “Nước trên kênh chính lớn nhưng về kênh nhánh do nhu cầu lớn nên không lấy được. Ban ngày không được, tôi phải tranh thủ ra đồng lúc nửa đêm, khi các cống trên đóng thì mới dồn về phía sau. Thế mà, cũng mất cả tuần mới lấy đủ”. Cả tháng nay, bà con nông dân làm việc chẳng quản ngày đêm, hết kỳ thu hoạch lúa lại cập rập chuẩn bị hè thu. Vất vả là thế nhưng làm được kịp thời vụ cũng coi là may mắn lắm rồi. Ở một số xã Tây Nam và các xã bãi ngang Thạch Hà, người dân còn tận dụng mọi loại máy bơm lớn bé, kể cả “chế” máy bơm từ bình điện của xe máy để chắt chiu nốt những giọt nước cuối cùng từ ao hồ, mương lạch cho đồng ruộng.

“Bạc mặt” lấy nước hè thu
Mới đầu vụ sản xuất, nhiều diện tích canh tác đã khô cháy.

Đến hẹn lại lên, vào những ngày này, bà con nông dân xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) lại bắt tay vào công việc đào giếng chống hạn. Ông Trần?Văn Vượng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Ngoài một số vùng “tử địa” thì Thịnh Lộc là một trong những điểm “nóng” về hạn hán. Hai năm nay, xã đã bỏ kinh phí khoan giếng, tạo nguồn bơm nước ra tận ruộng phục vụ sản xuất hè thu. Hiện tại, có ít nhất 6 giếng đã được hoàn tất để bơm nước”. Toàn xã có hơn 300 ha gieo cấy thì chỉ chủ động nước chưa đến ½ diện tích, bà con nông dân ở đây đang gồng mình để sản xuất theo đúng kế hoạch.

Không nằm ngoài cuộc chiến này, gần 1 tuần nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh mở nước tạo nguồn cho đập 19/5 qua cống xả đáy K13, K15 phục vụ nhu cầu sản xuất cho 3 xã Cẩm Nam, Cẩm Phúc và thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên); Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh “ép” nước từ sông Nghèn về cầu Trù, đảm bảo cho diện tích tưới Lộc Hà.

Bên cạnh những động thái tích cực này thì ở hầu khắp các địa phương đều xảy ra hiện tượng “nơi có không dùng”. Bằng chứng là, nhiều diện tích ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê, TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Nghi Xuân… nước đã đổ về đến chân ruộng, bà con vẫn bỏ không khâu làm đất dẫn đến việc sử dụng nguồn nước không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Theo baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập495
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm492
  • Hôm nay85,137
  • Tháng hiện tại790,250
  • Tổng lượt truy cập90,853,643
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây