Trao đổi qua điện thoại với Dân Việt trưa ngày 26.4, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, giá trị dược liệu của giống đinh lăng cao sản vô cùng thấp.
“Tôi cũng không hiểu tin đồn từ đâu khiến có một thời gian người dân đổ xô trồng loại đinh lăng cao sản, hay còn gọi là đinh lăng Trung Quốc này bởi theo những tài liệu chúng tôi được học thì loài đinh lăng này giá trị sử dụng thấp và chưa rõ ràng”, ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, đinh lăng Trung Quốc ít có giá trị dược liệu. Ảnh: DV.
Theo ông Hùng, đinh lăng Trung Quốc không có mùi thơm và chất lượng tốt như loại đinh lăng lá nhỏ như của Việt Nam nhưng củ có màu vàng đậm trông rất bắt mắt nên có một thời gian người ta thường trà trộn củ đinh lăng Trung Quốc vào với đinh lăng ta để bán kiếm lời.
Cũng vì lợi nhuận quá khủng từ việc kinh doanh củ, rễ, thân cây đinh lăng mà nhiều gia đình đã nhập giống đinh lăng Trung Quốc về trồng vì loại cây này chỉ trồng khoảng 2 năm là có rễ, thân, củ to như giống đinh lăng ta trồng từ 10 – 15 năm.
“Trong Đông y, chỉ có loại đinh lăng lá nhỏ là được sử dụng làm thuốc và tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đã được khẳng định, còn loại đinh lăng cao sản lá to thì chưa thấy sử dụng làm thuốc bao giờ và giá trị dược liệu cũng chưa được kiếm chứng”, ông Hùng nói thêm.
Cũng theo ông Hùng, việc người dân nghe theo tin đồn rồi trồng đinh lăng cao sản mà không dựa trên cơ sở khoa học vô cùng nguy hiểm. “Cho đến nay, các cơ sở Đông y không sử dụng đinh lăng lá to làm thuốc”, ông Hùng nói.
Điều đáng nói là, đinh lăng cao sản không chỉ được trồng ở huyện Sông Lô mà rất nhiều địa phương khác nông dân cũng đã đầu tư trồng loại cây này. “Ngay trên địa bàn huyện Thanh Sơn – Phú Thọ, người dân cũng đã trồng rất nhiều loại cây này và hiện đang bỏ hoang vì không có nơi tiêu thụ”, ông Hùng thông tin thêm.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Phú, Chủ tịch UBND xã Phương Khoan, huyện Sông Lô thông tin với Dân Việt, hiện hàng chục hecta đinh lăng cao sản trên địa bàn không có thương lái nào hỏi mua, hoặc nếu có ai mua thì cũng với giá rất thấp, chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg.
“Nhìn đinh lăng của bà con ế thừa chẳng có ai thèm hỏi mua chúng tôi cũng rất đau lòng mà không biết làm thế nào. Lãnh đạo xã đã liên hệ với các công ty dược, thậm chí nhờ cả Công ty CP TRAPHACO thu mua giúp mà cũng không được”, ông Phú cho biết thêm.
Cũng theo ông Phú, nguyên nhân khiến các công ty dược không mặn mà với đinh lăng cao sản vì hàm lượng tinh dầu của loại cây này rất thấp.
“Thực tế, đinh lăng lá nhỏ (hay còn gọi là đinh lăng nếp) người ta vẫn thu mua với giá khoảng 50.000 đồng/kg cả lá, thân rễ. Còn đinh lăng cao sản thì không ai thèm ngó ngàng tới vì giá trị làm thuốc không đáng kể”, ông Phú nói.
Theo Khánh Nguyên (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã