Việc Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng mang tới những nỗi lo không nhỏ...
Đó là những vấn đề vừa được đề cập tới tại Hội thảo “Phát triển ngành SX sữa và chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam” do Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, tổ chức JICA và ĐH Công nghệ & nông nghiệp Tokyo (Nhật Bản) tổ chức.
Tăng đàn chậm
Theo TS Chung Anh Dũng, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, trong chiến lược phát triển NN-NT giai đoạn 2011-2020 của Bộ NN-PTNT (năm 2009), phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đàn bò sữa là 23,44%/năm, để đến năm 2020, tổng đàn bò sữa nước ta sẽ đạt 500 ngàn con.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, tổng đàn bò sữa cả nước mới chỉ đạt gần 187 ngàn con và mức tăng trưởng trong giai đoạn 2006 - 2013 chỉ là 9,23%, thành ra mục tiêu nói trên không thể đạt được. Vì thế, Bộ NN-PTNT đã phải điều chỉnh lại mục tiêu đến 2020 là 300 ngàn con bò sữa. Điều này đã thể hiện rõ sự tăng trưởng đàn bò sữa hiện nay còn thấp.
Không chỉ về số lượng, chất lượng của đàn bò sữa vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Chẳng hạn, ở TP.HCM, mục tiêu phấn đấu của TP là đạt năng suất sữa bình quân 6.000 kg/con/năm vào năm 2015. Nhưng đến hết 2013, năng suất sữa bình quân của TP mới chỉ đạt 5.530 kg/con/năm. Từ 2001 - 2013, sản lượng đàn bò cái vắt sữa của TP.HCM chỉ tăng bình quân 1,97%/năm. Tính chung trên cả nước, năng suất sữa hiện vẫn còn khá thấp.
Với bò HF thuần, năng suất bình quân là 5.600 kg/con/năm, với bò lai là 4.300 kg/con/năm. Với năng suất này, sản lượng sữa trung bình của mỗi con bò sữa Việt Nam đang kém xa so với các nước có nền chăn nuôi bò sữa phát triển và chỉ gần bằng mức trung bình của Úc (là nước mà chăn nuôi bò sữa ở dạng bán chăn thả, tận dụng chăn thả trên đồng cỏ và tăng quy mô đàn để giảm giá thành SX sữa).
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tăng đàn bò sữa ở nước ta đang khá chậm, cho dù nhu cầu tiêu dùng sữa tăng mạnh qua từng năm (nhu cầu sữa tăng trưởng 15%/năm) và bò sữa đang là ngành chăn nuôi có hiệu quả. Trước hết, là việc sinh sản của đàn bò sữa khá kém, khi mà tuổi phối giống lần đầu khá cao (16 - 36 tháng), khoảng cách giữa 2 lứa đẻ kéo dài (16 - 18 tháng), tỷ lệ bò chậm sinh, vô sinh tạm thời cao…
Chính vì thế, để giải quyết những hạn chế nói trên, TS Chung Anh Dũng cho rằng phải cải thiện ngay khả năng sinh sản của đàn bò sữa bằng các biện pháp kỹ thuật cao, chính xác; xây dựng hệ thống quản lý giống hiệu qủa trên toàn quốc …
Bên cạnh đó, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của một số nước khi áp dụng phương pháp thu thập số liệu của các trang trại để đánh giá chính xác chất lượng con bò sữa đực giống.
Theo TS Hồ Cao Việt, cần khuyến khích nông dân thành lập các nhóm, tổ hoặc nhóm liên kết nhằm có lợi thế trong việc mua thức ăn, sản phẩm phụ từ công nghiệp (hèm bia), phụ phẩm từ trồng trọt với giá mua thấp và tránh được chi phí trung gian; giảm chi phí đầu tư ban đầu băng cách hướng dẫn nông dân tự SX giống bò lai thế hệ sau; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hộ nông dân nhằm giảm thiểu chi phí… Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống thu mua và giá mua dựa trên chất lượng sữa do nông dân SX. |
Về việc này, TS Togashi Kenji, Hiệp hội Chăn nuôi Nhật Bản cho biết, hiệp hội này đã bỏ chi phí, phối hợp với khoảng 300 trang trại để thu thập số liệu về năng suất, độ bền trong chu kỳ sữa của từng con bò cái… để đánh giá đúng chất lượng của con bò đực giống là cha của chúng. Qua đó, có thể chọn lựa được con bò đực giống tốt nhất. Nhờ vậy, trong những năm qua, năng suất sữa bình quân của Nhật Bản tăng khá nhanh, từ trên 6.000 kg/con/năm vào năm 1991 đã tăng lên trên 8.000 kg/con/năm vào năm 2013.
Nỗi lo nông hộ nhỏ
Nghề nuôi bò sữa nhìn chung đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân và thực tế chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm phần lớn đàn bò sữa của cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán tham gia TPP thì chăn nuôi bò sữa ở quy mô nông hộ lại có những mối lo ngại không nhỏ.
Trước hết, là chi phí chăn nuôi cao. Riêng về chi phí cám cho bò sữa, ông Lưu Văn Tân, GĐ Dự án Phát triển ngành sữa, Cty Friesland Campina cho biết, những người nuôi bò sữa quy mô nông hộ không thể mua cám trực tiếp của nhà máy mà phải mua qua 2 - 3 cấp đại lý, khiến cho giá cám tăng 5 - 7%.
Bởi vậy, theo TS Hồ Cao Việt, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, kết quả điều tra của Sở NN-PTNT TP.HCM cho thấy, chỉ những hộ tự trồng cỏ và tự vắt sữa mới có lợi nhuận tương đối (873 - 1.994 đ/kg). Những hộ tự trồng cỏ và thuê vắt sữa, mua cỏ và tự vắt sữa hay mua cỏ và thuê vắt sữa chỉ có khoản lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ.
Do chi phí SX còn cao, nên khi Việt Nam tham gia vào TPP, chăn nuôi bò sữa quy mô nông hộ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ sữa nhập khẩu. Hiện tại, khi việc đàm phán TPP còn chưa xong, giá sữa nhập khẩu về đến Việt Nam (khoảng 9.000 đ/kg) đã rẻ hơn giá thu mua sữa trong nước (13.000 đ/kg).
Do đó, khi đã tham gia vào TPP, chắc chắn sữa SX trong nước (nhất là nguồn sữa được SX ở các nông hộ) sẽ còn khó khăn hơn nữa trong cuộc cạnh tranh với nguồn sữa nguyên liệu nhập khẩu. Bởi vậy, theo nhiều ý kiến tại buổi hội thảo, cần phải có ngay các biện pháp giảm giá thành SX cho người nuôi bò sữa, từ khâu giống, thức ăn, quy trình nuôi…
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã