Gặt lúa thuê
Gần 3 năm nay, cứ đến mùa thu hoạch là ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi, trú huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại hối hả mang máy gặt ra đồng để gặt thuê. Mỗi sào lúa, ông lấy khoảng 100.000 đồng tiền công, nhờ vậy mà xong vụ thu hoạch, ông kiếm được số tiền kha khá để nuôi con ăn học.
Theo ông Hùng, nghề gặt lúa thuê không phải là công việc thường xuyên. Mỗi năm có khoảng 2-3 vụ, mỗi vụ chỉ gặt trong mươi ngày, nửa tháng. Hết mùa gặt, dân làm thuê như ông chuyển sang làm việc khác, như phụ hồ, công nhân..., đến mùa lại quay về với ruộng đồng. Nghề gặt thuê đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai và chịu được nắng nóng, mùi xăng dầu. “Khi gặt phải đi theo hướng và tỉ mỉ trong từng công đoạn để lúa nằm ngăn nắp, giúp chủ ruộng mang về dễ dàng. Nhiều lúc gặp những đám ruộng bùn lầy, không cầm máy gặt vững, vấp té là chuyện thường xuyên, nhiều người không may lưỡi gặt va trúng người gây nguy hiểm đến tính mạng nữa” - ông Hùng cho hay.
Nhặt tro tàn
Sau khi gặt xong lúa, nhiều chủ ruộng không mang rơm về làm thức ăn cho gia súc mà thuê người đốt rơm để lấy tro tại đồng. Làm vậy vừa sạch ruộng, vừa có khả năng diệt phèn, sâu bọ, làm cho đất canh tác vụ kế tiếp thêm tốt tươi.
Ông Võ Văn Kỳ (trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có 20 năm làm nghề đốt rơm thuê. Đến mùa đốt đồng, người ông lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại, tro bụi vương trên khắp người. Ông Kỳ cho biết: “Vì nhà ít đất canh tác nên cuối mùa tôi đi đốt rơm lấy tro thuê để kiếm thêm thu nhập. Chủ ruộng trả công cho tôi bằng tiền, bằng lúa và cả bằng… tro”.
Ở quê, những người làm nghề như ông rất hiếm, vì công việc đốt rơm thuê đòi hỏi nhiều công sức nhưng thu nhập lại không cao. Người đốt luôn phải chịu đựng hơi nóng và bụi bặm. Họ phải túc trực thường xuyên để canh chừng đám cháy vì lửa có thể theo gió lan sang đám ruộng bên cạnh bất cứ lúc nào. “Sau khi đốt rơm xong, chờ cho nguội, tôi hốt tro tàn cho vào bao để chủ ruộng mang về. Mùa nào nhà tôi cũng thiếu hụt cái ăn cho bọn trẻ nên đi đốt rơm thuê mà chủ trả công bằng lúa thì mừng lắm” - ông Kỳ bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Yến (người đốt rơm lấy tro) tâm sự: “Cuối vụ, tôi đi khắp nơi xin đốt rơm để lấy tro. Thường thì đốt 5 đống rơm của 5 thửa ruộng mới được 1 bao tro, mỗi bao có giá từ 30.000-50.000 đồng. Nếu may mắn thì cả ngày tôi cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng để cải thiện bữa cơm cho gia đình”.
theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã