Nhắc tới chuyện cám làm từ vỏ trấu, ông Trần Văn Hùng, TGĐ Cty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), không nén nổi sự bức xúc. Ông bảo cách đây hơn 10 năm, vào quãng những năm 2000-2001, nhiều hộ chăn nuôi heo, gà, vịt … đã lâm vào tình cảnh thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản, vì sử dụng phải loại cám gạo rởm, mà thực chất là cám được xay ra từ vỏ trấu. Vì khi cho ăn loại cám này, heo, gà không chỉ bị chậm lớn, mà còn bị mắc bệnh.
Bẵng đi một thời gian dài, loại cám xay từ trấu tưởng như “tuyệt tích giang hồ”. Nào ngờ, từ cuối năm ngoái đến nay, cám xay từ trấu lại tái xuất hiện và tung hoành trở lại trên đất Đồng Tháp. Ông Hùng cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh này đang có nhiều nhà máy xay xát, nhà máy lau bóng gạo, đem vỏ trấu ra nghiền thành cám rồi bán cho một số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nhiều hộ tự trộn cám cho heo ăn đang khốn đốn vì mua phải cám làm từ trấu
Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lại đem thứ cám đó trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, cho cá tra, gây tổn hại lớn tới sản xuất của người nông dân. Ông Hùng nói: “Con heo, con gà, con vịt mà ăn phải loại thức ăn có cám xay từ trấu thì sẽ bị chậm lớn, bị bệnh. Cá tra khi ăn phải loại cám này thì không bị bệnh do nó thải được hết ra ngoài, nhưng sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá tra, vì cá sẽ chậm lớn, chất lượng thịt bị suy giảm …”.
Sở dĩ cám xay từ vỏ trấu đang hoành hành trở lại là vì giá của loại cám này rất rẻ so với giá cám gạo đúng tiêu chuẩn. Theo ông Hùng, hiện nay ở Đồng Tháp, trong khi 1 kg cám gạo đang có giá trên thị trường tới 6.400 đồng, thì 1 kg cám xay từ vỏ trấu chỉ 900-950 đồng. Thậm chí có những cơ sở còn bán cám xay từ vỏ trấu với giá rẻ hơn nữa.
Tìm trên mạng, tôi thấy có một vài cơ sở đang giao bán cám xay từ vỏ trấu, có đăng tải cả số điện thoại của người bán hàng. Tôi bấm thử vào một số điện thoại như thế thì gặp một người tên Tú, đang làm chủ một cơ sở xay xát ở Đồng Tháp. Tú cho hay cơ sở của anh ta đang bán cám xay từ vỏ trấu với giá xuống tới xà lan chỉ 800 đ/kg.
Mỗi ngày, cơ sở của Tú đang xay ra khoảng 70-80 tấn cám từ vỏ trấu. Chỉ một cơ sở mà đã sản xuất lượng cám từ vỏ trấu như trên, thì mỗi ngày không biết có bao nhiêu lượng cám từ vỏ trấu đang được bán ra trên thị trường Đồng Tháp và bán đi các tỉnh, thành phố khác ở Nam bộ?
Không chỉ ở ĐBSCL, cám xay từ vỏ trấu cũng đang hoành hành ở Đông Nam bộ, nhất là tại tỉnh Đồng Nai. Nạn nhân của thứ cám này chủ yếu là những hộ nuôi heo đang tìm cách giảm giá thành bằng cách chuyển từ cám viên sang dùng cám trộn.
Khi ăn phải thứ cám này, con heo sẽ chậm lớn do độ đạm, năng lượng trong vỏ trấu gần như không có. Thành ra, tính làm cám trộn để giảm giá thành, nhưng nếu dính phải cám xay từ vỏ trấu, cũng coi như bằng không, thậm chí nông dân còn có nguy cơ thua lỗ nặng hơn nữa. |
Anh Nguyễn Xuân Hòa, nông dân ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1 (Thống Nhất, Đồng Nai), cho hay, để đáp ứng nhu cầu làm cám trộn của nông dân, ở đây đã xuất hiện nhiều đại lý vừa bán cám viên đóng bao, vừa bán cả các loại nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi như cám gạo, bắp… Trong khi có những đại lý làm ăn nghiêm chỉnh, bán cám gạo đúng chuẩn, thì cũng có những đại lý bán cả thứ cám được gọi là cám gạo nhưng thực chất là do dùng vỏ trấu nghiền nhỏ. Họ nghiền mịn tới mức nếu người mua không tinh ý sẽ dễ bị nhầm lẫn với cám gạo xịn.
Ở thị trường Đồng Nai, giá cám gạo hiện nay khoảng 5.700-5.800 đ/kg, trong khi cám xay từ trấu chỉ khoảng 1.500-1.600 đ/kg. Vì thế, do hám lợi, nhiều đại lý đã đem cám xay từ vỏ trấu, trộn lẫn vào cám gạo rồi bán rẻ một chút so với cám gạo nguyên chất, là dễ dàng dụ được người chăn nuôi bỏ tiền ra mua.
Bên cạnh đó, do thua lỗ liên miên trong một thời gian dài, nhiều hộ chăn nuôi heo hiện không còn khả năng “tiền trao cháo múc” khi đi mua cám nữa, mà đành phải mua chịu của đại lý (theo ước tính của anh Nguyễn Xuân Hòa, có khảng 70-80% chủ trại heo ở Gia Tân 1 đang phải mua cám chịu), do đó họ thường bị đại lý ép phải lấy cám này, cám kia, và không loại trừ khả năng bị ép lấy cám xay từ vỏ trấu.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã