Việc chăm sóc đúng cách cho cây màu thời kỳ xuống củ, chín quả sẽ giúp cây tích lũy được nhiều dưỡng chất hơn, thúc đẩy cho cây tổng hợp, vận chuyển được nhiều dinh dưỡng về củ, quả…
Xin chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc cây màu thời kỳ sinh thực để nông dân tham khảo và áp dụng:
+ Tưới dưỡng ẩm liên tục cho cây tùy theo thời tiết sao cho độ ẩm luống đất trồng luôn duy trì ở mức 80 - 85%. Thời kỳ cây xuống củ, chín quả thân lá đã phát triển sum xuê trong khi thời tiết thường có sương ban đêm và sáng sớm, vì thế không nên tưới bằng biện pháp phun sương hoặc tát té lên thân lá cây trồng.
Làm vậy cây rất dễ bị bệnh, tốt nhất nên áp dụng biện pháp tưới ngấm (tưới dõng). Nếu trường hợp không đủ nước để tưới ngấm thì té lên luống cây, gốc cây vào lúc chiều sớm, sao cho cây trồng về đêm được khô nước trên thân, lá.
+ Bón phân: Nhu cầu dinh dưỡng về kali và vi lượng thời kì cây xuống củ, chín quả là rất lớn. Vì giai đoạn này cây trồng huy động tất cả dinh dưỡng dồn về củ, quả. Sự vận chuyển này diễn ra nhanh hơn và chất lượng, mẫu mã củ quả cao hơn là nhờ vào dinh dưỡng kali và vi lượng. Cho nên, nông dân cần quan tâm và bổ sung các nguồn dinh dưỡng này cho cây màu giai đoạn giữa đến cuối vụ.
Ngoài ra, các dinh dưỡng này còn có tác dụng làm thân lá cây trồng cứng chắc, dày dặn hơn nên nấm bệnh và vi khuẩn rất khó xâm nhập và gây hại. Tùy theo các loại cây khác nhau mà nhu cầu về kali và vi lượng cũng khác nhau, biện pháp tưới thúc hay phun lên thân lá cũng rất đa dạng và cần được linh động trong SX sao cho phù hợp.
Phân kali rất tốt cho cây lấy củ, quả song, giữa kali đỏ (KCL) và kali trắng(K2SO4) thì kali trắng tốt cho các loại cây này hơn. Vì kali trắng có chứa 18% lưu huỳnh (S), là một trong những nguyên tố dinh dưỡng trung lượng làm tăng khối lượng, chất lượng, mẫu mã củ, quả và sức đề kháng cho cây.
Ngoài ra, kali trắng còn có thể sử dụng để phun lên thân lá cây trồng làm các bộ phận này cứng chắc, kháng bệnh và xuống củ, chín quả tốt hơn. Điều này nếu áp dụng với kali đỏ thì không thể được vì sẽ làm cháy lá.
Với các cây màu thu hoạch 1 lần như hành tỏi, khoai tây, cà rốt… có thể tưới thúc kali trắng từ 1 - 2 lần mỗi lần 0,5 - 0,7 kg/sào kết hợp với một lượng nhất định phân vi lượng (theo hướng dẫn của từng hãng SX). Với các cây màu thu hoạch nhiều lần như cà chua, đậu đỗ, ớt… có thể bổ sung kali trắng và vi lượng sau mỗi lần thu hoạch.
Tùy theo thời tiết hoặc đặc điểm thực tại của cây trồng để cây trồng hấp thu được kali nhanh hơn, nông dân cần bổ sung một lượng đạm nhất định hòa chung với kali để tưới cho cây màu thời kỳ xuống củ, chín quả. Tuy nhiên lượng đạm thời kỳ này chỉ nên sử dụng từ 0,2 - 0,3 kg/sào/lần. Tuy nhiên nếu cây trồng đã tốt thân lá và thời tiết lại có mưa hoặc gió đông mưa phùn thì không nên bổ sung thêm đạm.
Kali mới là nguyên tố dinh dưỡng thúc đẩy cho cây vận chuyển tinh bột, đường và các chất khác về củ, quả nhanh hơn chứ không phải là đạm.
Vì vậy, với các cây màu thu hoạch nhiều lần sau mỗi lần thu hái và muốn chăm sóc cho lứa quả sau người trồng cần bổ sung phần nhiều kali cho cây chứ không nên bổ sung nhiều đạm như nhiều người vẫn làm. Chỉ bón tăng đạm khi thấy cây cằn cỗi không đâm chồi ra hoa thêm nữa.
+ Bảo vệ thực vật: Hầu hết các cây rau màu vụ đông thời kỳ xuống củ, chín quả có thân lá rậm rạp cây lại huy động, vận chuyển dinh dưỡng về cơ quan dự trữ nên sức đề kháng kém. Mặt khác, thời tiết lúc này ưu tiên cho vi sinh vật phát sinh phát triển và gây hại cây trồng.
Cho nên, ngoài việc tưới nước, bón phân cho cây màu nông dân cần chú ý làm tốt công tác BVTV như phun thuốc phòng bệnh và trừ sâu khi đến ngưỡng để giúp cây phát triển thuận lợi hơn, năng suất, chất lượng nông sản được đảm bảo.
Việc phun thuốc được áp dụng định kỳ khi thời tiết có sương ban đêm hoặc mưa ẩm kéo dài. Các loại thuốc chuyên dùng như nhóm thuốc gốc đồng, thuốc có hoạt chất Mancozeb, metalaxyl, thuốc sinh học... Khi cây chớm bị bệnh cần khẩn trương sử dụng các loại thuốc đặc trị bệnh để chữa. Các loại thuốc BVTV cần sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng" và đảm bảo thời gian cách ly an toàn cho người sử dụng.
+ Tỉa bỏ nhánh con, lá già: Đây là việc làm cần thiết giúp cây xuống củ, chín quả tốt hơn đồng thời, tạo độ thông thoáng và hạn chế sâu bệnh hại cây trồng. Nên tỉa bỏ nhánh con và lá gốc già cỗi vào những lúc thời tiết nắng ráo khô hanh. Không nên tiến hành công việc này khi trời có mưa hoặc độ ẩm luống đất và thân lá quá lớn dễ làm cây bị bệnh qua vết thương xây xát.
Theo Nongnghiep.vn