Trong thời gian cao điểm dịch bệnh trên gia cầm, nhiều hộ nông dân đã phải chịu thiệt hại lớn do nhiễm dịch. Riêng trang trại gà thuộc CTCP Hùng Nhơn (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) vẫn “bình chân như vại”. Bà Lê Thị Xuân Hải, Giám đốc quản lý trang trại gà vui mừng cho biết, công ty hoàn toàn không bị bất cứ ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh.
Áp dụng quy chuẩn chăn nuôi giúp DN vượt qua dịch bệnh
Thoát được nạn dịch là do trang trại của bà Hải luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh như: phun thuốc khử trùng, tiêm phòng bệnh ngay từ khi gia cầm nhập chuồng và 6 tháng/lần xét nghiệm máu tìm vi rút gây bệnh… Chính vì vậy, toàn bộ sản phẩm của trang trại khi xuất chuồng đều đảm bảo các tiêu chuẩn hóa sinh, vệ sinh...
Với quy mô chăn nuôi tập trung theo dây chuyền công nghệ của Đức, đến nay trang trại đã phát triển được 8 khu chuồng trại gà lấy trứng (40 ngàn gà đẻ/chuồng), trung bình 1 ngày xuất bán 278.000 trứng, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm cho công ty.
Hiện nay, những mô hình chăn nuôi tập trung theo quy trình, công nghệ cao, tự động hóa từ khâu chăm sóc đến khi cho ra thành phẩm đang được phổ biến và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Bởi qua quá trình phát triển đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mức độ rủi ro thiệt hại gây ra từ dịch bệnh rất thấp và ít khi xảy ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, tính đến quý I/2014, tổng đàn gia cầm trên địa bàn là 3.359.000 con, trong đó nuôi theo mô hình trang trại, tập trung chiếm hơn 1.166.000 con (40 trang trại). Cùng thời điểm này, dịch bệnh ở một số tỉnh lân cận đang diễn biến phức tạp. Nhưng, giám sát tình hình thực tế trên địa bàn không phát hiện có ổ dịch nào, nhất là trong các trang trại nuôi gà tập trung theo quy mô lớn.
Ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, việc chăn nuôi gia cầm theo mô hình trang trại tập trung đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho DN mà cả với địa phương bởi giá trị kinh tế thu về cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Đồng thời, mô hình này lại đảm bảo công tác quản lý, giám sát dễ dàng, giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh, chủ động đối phó với dịch bệnh…
Thực tế, không riêng gì Bình Phước mà tại một số tỉnh, thành phố lân cận, dịch bệnh trên gia cầm xảy ra chủ yếu rơi vào các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng được khâu đảm bảo vệ sinh, tiêu trùng khử độc cho chuồng trại.
Hơn nữa, cũng chính điều này khiến cho nhiều hộ gia đình rất khó khăn trong việc ký kết bao tiêu sản phẩm đối với một số công ty tiêu thụ trứng lớn tại tỉnh như CTCP Chăn nuôi CP (chiếm 80% thị phần tiêu thụ)...
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, dù nhận thấy giá trị và lợi ích của hai mô hình này có điểm khác nhau rõ rệt, nhưng không phải muốn là có thể nhân rộng nhân tố thuận lợi, do khó khăn và vướng mắc về vốn. Để đầu tư một trang trại nuôi gia cầm theo mô hình tập trung, trang bị dây chuyền xử lý theo công nghệ cao phải mất khoảng 40 - 50 tỷ đồng.
Hiện nay, chi phí đã tăng lên gấp đôi nên ít nhất để hoàn thành từ khâu xây dựng đến trang bị cũng “ngốn” chừng 85 tỷ đồng cho một dự án chăn nuôi công nghệ cao.
Trước bài toán khó này, mới đây Agribank chi nhánh Bình Phước đã kết nối được giữa người chăn nuôi và tiêu thụ để cho vay, tránh rủi ro khó thu hồi vốn trong chăn nuôi, nhất là khi xảy ra dịch bệnh. Theo mô hình liên kết, khi có nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ cao, các DN sẽ chuẩn bị nguồn vốn 25 tỷ đồng.
Sau khi DN ký kết với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, ngân hàng sẽ rót thêm số vốn 60 tỷ đồng với lãi suất hợp lý theo chính sách cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Cao Văn Thành, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Bình Phước cho biết, với những khoản vay này, mức độ rủi ro rất thấp, do người chăn nuôi đã được đảm bảo về đầu ra. Phía đơn vị tiêu thụ sản phẩm còn tham gia giám sát cũng như cung ứng trang thiết bị, thuốc men tiêm phòng, khử trùng cho DN chăn nuôi nên có thể phòng tránh được cả rủi ro về dịch bệnh.
Đến nay, riêng Agribank chi nhánh Bình Phước đã triển khai cho vay được 5 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo công nghệ cao với dư nợ hơn 250 tỷ đồng.
Dự kiến, thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này bởi không chỉ đem lại lợi ích, hiệu quả thiết thực cho DN chăn nuôi, phân phối, tiêu thụ mà còn có tác động tích cực đến quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trên cây trồng, vật nuôi theo đúng chủ trương Chính phủ đưa ra.
Phương Nam
Nguồn thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã