Làm mới công tác thanh tra
Nhiều biện pháp đã được triển khai trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp nhưng tình hình vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm không thể lắng xuống trước thực tế vi phạm xuất hiện ngay ở khâu cung cấp vật tư nông nghiệp cho người nông dân. Trước tình hình đó, song song với công tác quản lý chất lượng, ngành nông nghiệp đã dồn lực vào công tác thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong năm 2015, trong số 59 địa phương đã tiến hành thanh tra với gần 50.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thì có đến 10.000 cơ sở vi phạm. Bức xúc nhất là những vi phạm trong lĩnh vực phân bón và thức ăn chăn nuôi.
Ông Việt nhìn nhận: “Có thể khẳng định việc thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp được Bộ NN&PTNT rất quan tâm và triển khai quyết liệt. Tình hình vi phạm đã giảm, song chưa đáp ứng yêu cầu”.
Nguyên nhân kể đến thì có nhiều, ví dụ như Luật Thanh tra ra đời quy định rõ công chức tham gia thanh tra kiểm tra nhưng vấn đề tổ chức bộ máy ở địa phương mới tham gia được 2-3 năm nay nên không có nhiều kinh nghiệm. Công tác bảo đảm chế độ cho lực lượng thanh tra chưa được quan tâm nhiều. Hơn nữa, điều kiện phục vụ cho công tác thanh tra cũng còn thiếu...
Lực lượng vừa thiếu vừa yếu nhưng lại thường phải làm theo kế hoạch. Đây là một cách làm rất thiếu hiệu quả trong công tác thanh tra.
Nhìn nhận ra thực tế đó, giữa năm 2015, lực lượng thanh tra của Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo theo ngành dọc tới các tỉnh cần dành ít nhất 30-50% thời lượng để thanh tra đột xuất. Theo nhìn nhận của ông Việt, việc làm này đã giúp cho công tác thanh kiểm tra có hiệu quả hơn rõ rệt, tuy nhiên cũng tùy mức độ chỉ đạo của từng tỉnh, có tỉnh quyết liệt, có tỉnh chưa...
Không theo thông lệ “âm thầm” trong chỉ đạo điều hành, thời gian qua, công tác thanh kiểm tra của ngành nông nghiệp được xác định gắn liền với công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm. Sau khi thanh, kiểm tra có phát hiện sai phạm thì đã phối hợp cùng báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời. Điều này thấy rõ ở đợt thanh tra chất cấm trong chăn nuôi những tháng cuối năm 2015.
Cùng với đó, Bộ NN&PNT thường xuyên tổ chức các đoàn đi lấy mẫu giám sát, tổ chức xác nhận cho các cơ sở bảo đảm cung ứng sản phẩm an toàn. Việc thanh tra chuyên ngành cũng được triển khai mạnh mẽ. Đối với những vụ việc gây bức xúc dư luận, sẽ dồn lực thanh kiểm tra để có câu trả lời công khai sớm nhất tới dư luận.
Sự lan tỏa của chính sách
Năm 2016 được Bộ NN&PTNT tiếp tục lựa chọn là năm trọng tâm công tác về bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với quản lý chất lượng và thanh kiểm tra, các đơn vị quản lý trong ngành nông nghiệp đã xắn tay vào xây dựng những mô hình cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn.
Điển hình nhất tại hai địa phương là TPHCM và Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã xúc tiến hai chương trình cung ứng sản phẩm an toàn. Hai thành phố này cũng đã công nhận nhiều địa điểm bán sản phẩm nông nghiệp an toàn để người dân an tâm mua sắm, sử dụng.
Thông qua chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn này, các cơ quan chức năng quản lý về nông nghiệp tại địa phương đã chỉ ra thực tế có tới 95% sản phẩm là an toàn. Tuy nhiên, khi công tác truyền thông chưa rõ nét thì 5% còn lại được nhân dân hiểu là “phần nhiều” thực phẩm chưa an toàn.
Xắn tay vào thị trường, nhìn ra tâm lý của người tiêu dùng nên công tác chỉ đạo điều hành của ngành nông nghiệp đã có những điểm sắc nét hơn. Điển hình như khi cùng ngồi bàn thảo về việc xây dựng chuỗi ngành hàng thực phẩm an toàn với Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã quyết liệt gạt sang bên mọi báo cáo thành tích, đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra một đáp án duy nhất cho câu hỏi những địa chỉ mua thực phẩm an toàn ở đâu?
Kỳ vọng của Bộ NN&PTNT trong thời gian tới là đưa ra được một logo chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn do Bộ chứng nhận. Tuy khó có thể kiểm soát việc sản xuất của từng người nông dân, nhưng kỳ vọng này của ngành nông nghiệp chính là quyết tâm của Bộ trong công tác chỉ đạo điều hành về bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Công ty CP Việt Nam đã tặng Bộ NN&PTNT 4.000 bộ test kit để kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. |
Sự quyết tâm này của Bộ đang tạo một hiệu ứng lan tỏa dần từ các Sở NN&PTNT cho đến các doanh nghiệp trong ngành. Động thái gần đây nhất là vào chiều qua (21/1), Công ty CP Việt Nam đã tặng Bộ NN&PTNT 4.000 bộ test kit để kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.
Lý do của việc trao tặng số lượng lớn dụng cụ kỹ thuật như vậy được ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc phụ trách chăn nuôi của công ty này cho biết: “Gần đây Thanh tra Bộ đã phát hiện nhiều chất cấm hoặc những chất không có trong danh mục được đưa vào sử dụng trong chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đã ‘tuyên chiến’ với những hành vi đầu độc người tiêu dùng bằng nhiều biện pháp thiết thực. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn và có trách nhiệm. Bởi vậy công ty chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ cùng với Bộ NN&PTNT thực hiện chủ trương này”.
Có được sự đồng hành của những doanh nghiệp lớn trong các chủ trương, chính sách đưa ra, chắc chắn hiệu lực của chính sách sẽ lan tỏa nhanh chóng và thu hút được cộng đồng doanh nghiệp đi theo. Đó cũng có lẽ là con đường nhanh nhất để chính sách đi vào cuộc sống, bảo đảm yêu cầu thụ hưởng chính đáng của người dân.
Theo baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã