Cây bưởi quý thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Chính, làng Văn Trì, xã Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Cùng với Đức Diễn, Phú Diễn, Văn Trì là một trong 3 nơi trồng bưởi Diễn chất lượng tuyệt hảo ở đất Hà thành.
Cây “bưởi tổ” quý hiếm của gia đình ông Chính
Ông Chính vui vẻ kể, vùng đất Từ Liêm màu mỡ ven sông Hồng cho những đặc sản nức danh: “Cam Canh, bưởi Diễn, dưa Đăm, hồng Xuân Đỉnh”. Bưởi Diễn “ngon lạ” vì cùi mỏng, vàng óng, tôm giòn, thơm ngon mát ngọt không đâu sánh bằng. Giống bưởi quý có nguồn gốc từ vùng trồng bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ.
Đầu thế kỷ 20, cụ Lý Khang (người Đức Diễn) lên chơi xã Chí Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ. Nhận thấy giống bưởi nơi đây ngon ngọt lạ thường đã xin giống về trồng. Về sau, cụ đem chiết cành cho 3, 4 gia đình thân thuộc trong làng. Ở Văn Trì kế bên, ông nội của ông Chính là một trong số ít người may mắn có được giống bưởi quý từ buổi phát tích.
Cây quý có 3 chạc vươn cành khỏe mạnh – từ đây hàng vạn cây con được “chiết sinh” cung cấp cho nhiều tỉnh thành đất nước.
Đã gần 100 năm, truyền qua 3 đời gia đình ông Chính gìn giữ, chăm sóc nâng niu cây bưởi quý như người thân yêu. Ông kể: “Xưa đất Văn Trì chủ yếu trồng cam Canh. Sơ khai “bưởi Diễn” (tên hiện tại) không có tôm vàng. Trải thời gian, trồng xen kẽ cam Canh, ong bướm giao phấn tạo nên loại bưởi Diễn quả cho tôm vàng, ngọt mát đặc biệt. Ông tôi truyền lại gốc bưởi quý đến đời tôi đã 3 đời gắn bó với cây bưởi trăm tuổi này”.
Cận cảnh gốc, thân cây bưởi cổ gần trăm tuổi
Sinh thời, cụ Nguyễn Văn Tấc (bố ông Chính, nguyên cán bộ Nông nghiệp ở địa phương) trân quý cây bưởi đặc biệt như ruột thịt. Ngày ấy, do khan hiếm, người ta không bán giống bưởi quý, thân thiết quý mến lắm thì chiết tặng một vài cành. Năm 1990, nghe tiếng cây “bưởi tổ” của gia đình cụ Tấc vẫn xanh tốt, cho hàng trăm quả thu hút đoàn cán bộ Đại học Nông nghiệp tìm về tham quan.
Dù “cao tuổi”, cây bưởi quý của gia đình ông Chính vẫn cho những quả ngọt lúc lỉu
Cành lá xanh tốt khỏe mạnh
Bị chinh phục bởi hương vị bưởi Diễn thơm ngọt hiếm có, cán bộ của Đại học Nông nghiệp đã đặt mua 300 mắt bưởi trên gốc bưởi cổ của cụ Tấc. “Hồi đó, nể các cán bộ Đại học Nông nghiệp, bố tôi để cho 300 mắt bưởi. Sau họ đem ghép, nhân bán giống đi khắp nơi. Gia đình rất tự hào, đã góp phần phát triển giống bưởi quý trên cả nước”, ông Chính nói.
Chủ nhân tự hào nâng niu những trái ngọt từ gốc “bưởi tổ”
Ảnh lưu niệm đoàn cán bộ Đại học Nông nghiệp về thăm cây bưởi tổ, mua giống năm 1990.
Cây con chiết từ cây “bưởi tổ” cho quả sai trĩu
Gắn bó, chăm sóc cây bưởi quý từ ấu thơ, sau này, ông Chính được bố truyền lại cho gốc “bưởi tổ”. Mấy chục năm, dù lúc bận công tác hay khi đã về hưu, ông Chính luôn nâng niu, chăm sóc “gốc bưởi cha ông” bằng cả tấm lòng. Từ gốc bưởi quý, ông nhân giống, cung cấp hàng vạn cây con giá rẻ cho nông dân nhiều tỉnh thành.
Năm 2013, do “tuổi cao”, sức chống chịu sâu bệnh suy giảm, cây “bưởi tổ” đổ bệnh sùi nhựa, rệp lá khiến chủ nhân thất thần lo lắng. Quyết tâm cứu cây bưởi quý, ông Chính tìm các phương cách chữa trị. Suốt 3 tháng “mất ăn mất ngủ”, cuối cùng ông cứu chữa cây bưởi thành công. Giờ đây, cây “bưởi tổ” hiếm hoi trong vườn bưởi Diễn của gia đình ông Chính vẫn xanh tốt, trổ hoa, đơm quả bên cạnh những cây bưởi “cháu, con”…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã