Học tập đạo đức HCM

Đảm bảo cấp cứu, tích cực phòng chống dịch bệnh sau lũ

Thứ bảy - 19/10/2013 09:39
Hậu quả cơn bão số 10 khắc phục chưa xong thì lũ lụt sau bão số 11 lại ập đến. Nguy cơ dịch bệnh chưa qua thì nhiều cơ sở y tế trên toàn tỉnh bị ngập nặng hoặc bị ảnh hưởng trầm trọng. Tuy vậy, ngành Y tế Hà Tĩnh vẫn luôn chủ động vừa đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, vừa tích cực phòng chống dịch bệnh.

 

Đảm bảo cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân

Nước rút, Trạm Y tế xã Hương Minh (Vũ Quang) như lún sâu giữa một đám bùn lầy. Bùn ngập đầu gối; bám cao đầy tường. Tất cả nhân viên y tế trạm đã nhanh chóng tập trung, người cào, người cuốc, người xẻng, bàn trang… đẩy bùn. Bác sỹ Đoàn Văn Lý – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Minh vừa đẩy bùn vừa cho biết: "Nước lên nhanh và sâu quá đầu người. Nhưng nhờ có tầng hai nên đã chuyển được tất cả máy móc, thiết bị lên trên. Trong thời gian nước ngập, có 3 bệnh nhân ở lại điều trị. Về thuốc thì chúng tôi luôn có dự phòng nên đảm bảo. Chúng tôi vào ra bằng thuyền để phục vụ bệnh nhân. Giờ phải nhanh chóng ổn định lại chứ sau lũ chắc chắn người dân sẽ đến khám và lấy thuốc nhiều hơn bình thường".

Đảm bảo cấp cứu, tích cực phòng chống dịch bệnh sau lũ

Cán bộ, nhân viên Trạm y tế Hương Minh vừa tập trung dọn vệ sinh môi trường...

Đảm bảo cấp cứu, tích cực phòng chống dịch bệnh sau lũ

...vừa đảm bảo KCB cho người dân

Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn cũng là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng khá nặng nề. Do lũ thượng nguồn lớn nên nước đã nhanh chóng tấn công vào bệnh viện và xâm chiếm tất cả các khoa, phòng ở tầng 1. Rất may, bệnh viện có dự báo nên kịp thời chuyển được tất cả máy móc, trang thiết bị và bệnh nhân lên tầng 2.

Bác sỹ Nguyễn Quang Hòe – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn chia sẻ: Mặc dù đã chủ động nhưng lũ lớn khiến khu nhà phòng khám, cấp cứu, nội, CLS đều bị ngập. Một số máy móc không bị ướt nhưng lại bị ẩm chưa sử dụng được. Hệ thống mạng lan của bệnh viện cũng bị tê liệt. Muôn vàn khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng vừa chăm sóc 159 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, đảm bảo cấp cứu các bệnh nhân nhập viện trong lũ, vừa phải theo dõi diễn biến của nước. Khoảng 7h chiều 17/10 thì nước bắt đầu rút, bệnh viện đã huy động cán bộ, nhân viên dọn dẹp các khoa, phòng cho đến tận 12h đêm. Sáng hôm sau, đơn vị lại được các ĐVTN tình nguyện từ các đơn vị y tế ở thành phố, Hồng Lĩnh, cửa khẩu Cầu treo giúp đỡ. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng các ĐVTN đã rất tích cực, không quản trời mưa và trong một ngày đã dọn sạch tất cả đám bùn đất khổng lồ. Trung tâm YTDP huyện cũng đã kịp thời phun tiêu độc khử trùng liền sau đó. Hiện còn một số máy móc bị ẩm chưa sử dụng trở lại nhưng nhìn chung cơ bản đã ổn định, đảm bảo được điều kiện tối thiểu để CSSK cho người dân trong những ngày tiếp theo.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê lại là một câu chuyện khác. Câu chuyện về sự gồng mình đối mặt với sự xuống cấp của cơ sở vật chất trong mưa bão. Nếu không trực tiếp chứng kiến, không nghe “người trong cuộc” trải lòng thì khó có thể tin nổi. Trong những ngày mưa lũ, bệnh nhân tại Bệnh viện Hương Khê tăng 25% so với bình thường. Đặc biệt, do mưa lũ nên hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện trong khoảng thời gian này đều là bệnh nhân cấp cứu; nhiều bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật.

Tuy không bị ngập lụt nhưng 2 phòng mổ của đơn vị cũng lênh láng nước do mưa tạt. Theo các nhân viên, phòng mổ có tiêu chuẩn riêng nên không thể chuyển đổi sang phòng khác được. Mà bệnh nhân cấp cứu thì phải mổ. Cứ thế, 4 người 4 góc cầm ni lông che phiá trên bệnh nhân. Còn bác sỹ, nhân viên phục vụ, để đảm bảo vô trùng trong điều kiện bất đắc dĩ này nên đã mặc thêm chiếc áo tiện lợi phía trong áo choàng. 10 bệnh nhân đã được mổ cấp cứu trong điều kiện như thế. Rất may, tất cả bệnh nhân đều ổn định sau mổ.

Kịp thời xử lý môi trường để phòng, chống dịch bệnh

Cứu người như chạy lũ nhưng công tác xử lý môi trường sau lũ cũng khẩn cấp không kém. Nước rút đến đâu, dọn dẹp và tiêu độc khử trùng đến đó để giảm tối thiểu các nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tại trạm y tế xã Hương Minh (Vũ Quang), vì lượng phù sa để lại quá dày nên chỉ dùng dụng cụ thô sơ và sức lực của nhân viên của trạm không thể làm sạch kịp thời. Mà điện lại chưa có. Vì vậy, đơn vị đã kết nối liên lạc nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm YTDP huyện và ngay lập tức được trung tâm chở máy nổ xuống giúp trạm phụn nước để rửa sạch bùn đất.

Đảm bảo cấp cứu, tích cực phòng chống dịch bệnh sau lũ

Lãnh đạo Sở Y tế trao hóa chất cho Trạm Y tế xã Hương Minh (Vũ Quang)

Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Vũ Quang Nguyễn Đình Sơn đang tham gia khắp phục hậu quả với CBCNV trạm y tế Hương Minh cho biết: "Điều yên tâm là chúng tôi đã thực hiện được phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt là về thuốc, hóa chất (bao gồm hóa chất xử lý môi trường và xử lý nguồn nước sinh hoạt) các trạm đều có dự phòng cơ bản. Anh em YTDP huyện bám sát theo dõi địa bàn theo phân công nhiệm vụ, đồng thời có bộ phận thường trực tại đơn vị sẵn sàng hỗ trợ các vùng trọng yếu. Tinh thần chung là nước đến đâu xử lý VSMT đến. Như ở Hương Minh đây, sau khi thau rửa sạch trạm y tế và tất cả các trường sẽ tiến hành phun CloraminB khử trùng. Ở đây còn có điều lo ngại nữa là xác con vật chết khá nhiều, theo như nắm bắt tình hình, mỗi gia đình bị ngập sâu có ít nhất vài ba chục con gà và đôi lợn bị chết. Đội ngũ y tế thôn sẽ đảm nhận nhiệm vụ này dưới sự giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ (nếu cần) của nhân viên YTDP huyện và tỉnh. Về vật tư, hóa chất, thiếu đến đâu cấp bổ sung đến đó".

Tại huyện Hương Sơn, công tác phòng chống dịch cũng được triển khai liên tục từ trước trong và sau lũ. Trước đó, mỗi đơn vị y tế đều đã dự phòng sẵn CloraminB, hóa chất khử nước và các cơ số thuốc phòng dịch cần thiết với tinh thần “4 tại chỗ”. Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Hương Sơn Trần Thị Soa cho biết qua điện thoại là chị đang trên xuồng vào vùng lũ. Hiện một số xã còn phải bằng xuồng như xã Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Lễ, Mai Thủy… Nói chung, kể cả vùng nước rút cũng như chưa rút, nhân viên YTDP huyện đều bám sát theo dõi để kịp thời hướng dẫn và sẵn sàng hỗ trợ địa phương. Người dân vùng lũ đều đảm bảo nước uống và nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó. Kho vật tư, hóa chất của Trung tâm YTDP huyện mở cửa 24/24, trạm nào thiếu thì lên lấy. Đối với các trạm bị chia cắt không lên được thì huyện tiếp ứng xuống. Hiện huyện đang thiếu hóa chất xử lý vệ sinh môi trường và nguồn nước, Trung tâm đã báo về tỉnh. Nói chung, đến thời điểm này vẫn còn trong tầm kiểm soát và chủ động. Có xuất hiện các bệnh do mưa lũ nhưng không đáng kể.

Đảm bảo cấp cứu, tích cực phòng chống dịch bệnh sau lũ

Trạm Y tế xã Phúc Trạch (Hương Khê) phân gói hóa chất xử lý nguồn nước để cấp phát cho người dân nhập lũ

Với tinh thần “4 tại chỗ”, hầu hết các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đều chủ động các phương án đối phó với bão lũ, đặc biệt là các cơ sở y tế tại 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang. Giám đốc Sở Y tế Phan Thị Ninh cho biết: Cùng với việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, ngành đã cho thành lập các đội cấp cứu; chuẩn bị phương tiện, cơ số thuốc; duy trì trực 24/24 giờ; tổ chức di dời sơ tán bệnh nhân tại các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế không an toàn. Đặc biệt, ngành đã chỉ đạo Trung tâm YTDP các huyện tăng cường cán bộ mang theo hóa chất khử trùng nước đến các vùng bị cô lập, chia cắt để trực tiếp hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt và sơ cứu, cấp cứu các nạn nhân, bệnh nhân; Bệnh viện đa khoa chuẩn bị phương tiện và các đội cấp cứu luôn trong tư thế sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có yêu cầu. Nhờ vậy, trong lũ lụt, tất cả các cơ sở y tế đều duy trì thường xuyên trực cấp cứu, kịp thời xử lý các trường hợp tai nạn thương tích do mưa bão, tai nạn giao thông, phẫu thuật, đỡ đẻ… Các bệnh nhân được chăm sóc trong mưa bão đều ổn định; không để xảy ra sai sót.

Đến thời điểm này toàn tỉnh chưa phát hiện dịch, bệnh mới phát sinh trong và sau lũ lụt. Tuy nhiên, với điều kiện môi trường và thời tiết hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, cũng với tinh thần chủ động phòng, ngành đang tích cực chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là các Trung tâm YTDP, trạm y tế xã và đội ngũ y tế thôn bản, các Đội TNTN của ngành tiếp tục bám sát địa bàn, nước rút đến đâu hướng dẫn bà con nhân dân làm VSMT và xử lý hóa chất khử khuẩn đến đó, hạn chế tối thiểu các nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ.

 Biện Nhung
 Nguồn baohatinh.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập160
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại873,572
  • Tổng lượt truy cập90,936,965
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây