Theo Hội Nông dân xã Xuân Thọ, những ngày qua, các thương lái đã tiếp tục tiến hành gom mua rễ hồ tiêu của các nhà vườn trên địa bàn xã này.
Hiện giá rễ tiêu được các chủ vựa trên địa bàn xã Xuân Thọ thu mua với giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, sau đó bán lại cho doanh nghiệp thu mua với giá từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg. Để gom được 1 tạ rễ tiêu khô, người trồng tiêu phải đào khoảng 4 sào tiêu.
Rễ tiêu được thương lái mua với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg.
Theo các chủ vườn tiêu, việc người trồng tiêu bán rễ tiêu là có thật, tuy nhiên, không ai đào bán tiêu tươi mà chỉ bán những rễ tiêu khi phá bỏ vườn tiêu bệnh, vườn già để trồng mới.
Mặc dù nắm bắt được tình hình, nhưng do rễ tiêu là một loại phế phẩm trong nông nghiệp, việc mua bán không vi phạm pháp luật nên chính quyền địa phương không có lí do để ngăn cản.
Thế nhưng, điều đáng nói là hiện các cơ quan chức năng chưa xác định được việc thương lái thu mua rễ tiêu nhằm mục đích gì. Bởi khi làm việc, những người thu mua rễ tiêu cũng thừa nhận không biết những người mua rễ tiêu thực sự để làm gì, chỉ biết có người mua thì bán.
Trước đó, từ khoảng tháng 3 năm nay, một số thương lái đã tiến hành gom mua rễ tiêu từ các nhà vườn trồng tiêu trên địa bàn xã Xuân Thọ để bán cho một doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc.
Thương lái thu mua rễ tiêu khô ở Tây Nguyên. Ảnh: THU HÀ
Thống kê của UBND xã Xuân Thọ cho thấy, thời điểm đó có 4 cơ sở tiến hành thu mua rễ tiêu của nông dân và có 14 hộ tiến hành cải tạo vườn, gom rễ tiêu bán cho thương lái với diện tích khoảng 10 ha. Theo các thương lái, họ gom mua rễ hồ tiêu rồi bán lại cho một doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc.
Sau đó, khi chính quyền vào cuộc làm việc với các thương lái và doanh nghiệp thu mua thì việc gom mua rễ tiêu tạm ngưng một thời gian.
Giữa tháng 5 vừa qua, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thương lái gom mua rễ tiêu diễn ra tại xã Xuân Thọ. Sau khi tìm hiểu tình hình, đoàn công tác của Cục Trồng trọt đánh giá, dù không có tình trạng đào gốc tiêu sống lấy rễ để bán, nhưng việc bán rễ tiêu khô cũng có nguy cơ phát tán nguồn bệnh lây lan qua rễ tiêu từ các vùng tiêu nhiễm bệnh sang các vùng trồng khác.
Cục Trồng trọt cũng có văn bản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, thực hiện một số công việc cần thiết. Trong đó, nhấn mạnh tới việc thực hiện tốt vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm; không tổ chức mua, bán, hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã