Kháng sinh làm giảm sức cạnh tranh
Một khảo sát mới đây của ngành chức năng huyện Phú Tân (Cà Mau) về tình hình nuôi tôm siêu thâm canh cho thấy, khâu xử lý chất thải, nước thải trong quá trình nuôi chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, qua kiểm tra 119 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn, chỉ có 53 hộ thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn về diện tích ao xử lý chất thải, ao lắng, hệ thống xử lý đúng quy định (chiếm 45%); có 66 hộ không đảm bảo các điều kiện quy định. Thực tế này không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau mà còn phổ biến ở nhiều vùng nuôi tôm khác.
Ngành nuôi tôm cần kiểm soát tốt vấn đề dư lượng kháng sinh. Ảnh: tư liệu
Theo VASEP, tương lai tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng chưa rõ ràng; tại Nhật Bản, 100% lô hàng tôm Việt Nam đều bị kiểm tra thay vì chỉ 30% như thường lệ. Hàn Quốc cũng đã gửi hai bức thư tới Việt Nam cảnh báo việc dư lượng Nitrofurans trong tôm. Nếu không giải quyết dứt điểm những tồn tại này, nguy cơ mất thị trường là rất lớn. |
Tại hội nghị bàn tròn tìm giải pháp nâng cao giá trị của sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam vừa được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng cho biết, dư lượng kháng sinh đang là điểm yếu của con tôm Việt Nam, nếu không cải thiện tình trạng này, đến khi chúng ta phải nhận lệnh cấm nhập khẩu từ một thị trường nào đó thì đã quá muộn màng.
Theo ông Quang, chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh là rất lớn vì hiện nay các thị trường xuất khẩu (XK) lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… đều kiểm soát rất gắt gao vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. “Để kiểm soát được kháng sinh, Minh Phú đã đầu tư các phòng lab kiểm tra kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí đầu tư bình quân 10 tỷ đồng/phòng lab; chi phí kiểm tra kháng sinh cho 1kg tôm nguyên liệu khoảng 6.000 đồng, điều này làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam” – ông Quang nêu một thực tế.
Ngoài ra, ông Quang cho biết, các thị trường nhập khẩu rất ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc tôm. Họ cần tôm khi luộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng.
Size/cỡ tôm khi thu hoạch cũng đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của tôm Việt. Theo ông Quang, hiện nay, nông dân thường nuôi và thu hoạch tập trung một lần khi tôm đạt kích cỡ 30-50 con/kg. “Khi người nuôi thu hoạch đồng loạt, tập trung ở cùng một size thì size đó dư thừa trong khi các size khác không có, dẫn đến thị trường thiếu mà thừa” - ông Quang nói.
Giá tôm sẽ tăng dịp cuối năm
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá tôm trên thế giới gần đây có xu hướng phục hồi kéo giá tôm trong nước tăng lên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm.
Theo Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Ấn Độ, sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2017 đạt 600.000 tấn, tuy nhiên sản lượng năm 2018 dự kiến sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân do giá tôm đầu năm 2018 thấp dẫn đến số lượng lớn người dân thả muộn hoặc không tiếp tục thả nuôi tôm. Hoa Kỳ là nước tiêu thụ 33% tôm của Ấn Độ, kể từ tháng 9 bắt đầu gia tăng thu mua tôm.
Trong thời gian tới, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường này. Khi xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng, đồng thời với việc Hoa Kỳ giảm thuế nhập khẩu đối với tôm và cá tra của Việt Nam, Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu thủy sản từ các nước ASEAN để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, dịp cuối năm xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan, đặc biệt là tôm và cá tra. Chính vì thế, các địa phương cần ổn định vùng trồng, khuyến khích các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để đảm bảo sản xuất bền vững.
Việc cần làm lúc này là phải đẩy mạnh đổi mới sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tôm để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Trên thực tế, tôm sú của Việt Nam đang đứng đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với tổng sản lượng xuất khẩu 300.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, từ ngày 31.12.2018, tất cả tôm nhập khẩu vào Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Chính sách mới với nhiều thủ tục, quy định đang đặt ra nhiều khó khăn, gây lúng túng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo Khánh Nguyên (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã