Anh Bùi Văn Dương, nhà vườn ở Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, anh đã trồng thử nghiệm 50 cây ổi không hạt. Hiện cây đã được 4 tháng và bắt đầu cho trái, dù chưa biết sản lượng như thế nào. Cũng theo anh Dương, ổi không hạt đang bán lẻ tại các chợ địa phương có giá 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi ổi thường, do vậy nhiều gia đình trong xã cũng bắt đầu chuyển sang trồng giống ổi mới này.
Mít không hạt đang được nông dân nhiều tỉnh tìm mua với giá 15.000 đồng một cây giống. Ảnh: Zen Nguyễn.
Thời gian gần đây, nông dân ở huyện Định Quán, Đồng Nai, đã trồng thành công mãng cầu (na) không hạt. Theo nhận định của một số hộ đang trồng giống cây này, mãng cầu truyền thống khả năng chịu úng kém, nhưng giống không hạt (có nguồn gốc từ Thái Lan) này lại cho trái sai, mỗi trái có trọng lượng đến 1 kg và cây chịu úng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại đây.
Hiện loại mãng cầu không hạt này được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng nên giá cao gấp 4 lần loại thường. Giá được thương lái mua tại vườn đến 50.000 đồng/kg, anh Lãi, một nhà vườn ở Định Quán cho biết.
Ông Lê Bá Nhẫn, giám đốc một công ty chuyên cung cấp giống cây ăn trái lạ ở xã Trừ Văn Thố, Bàu Bàng, Bình Dương cho biết, gọi là cây không hạt nhưng trên thực tế một số loại cây như: mít, mãng cầu vẫn có ít hạt lép và nhỏ. Chỉ có chanh, ổi là có giống không hạt 100%.
Do những loại quả này không có hạt hoặc hạt lép nên để nhân giống phải chiết cành, hoặc cấy mô trong phòng thí nghiệm. Những giống này không hạt phần lớn có nguồn gốc từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… Để thích ứng với thời tiết, thổ nhưỡng trong nước, các trại giống thường phải ghép cành với cây bản địa cùng loại.
Cũng theo ông Nhẫn, việc nhân giống còn khó khăn nên giá bán giống cây không hạt hiện cao gấp 3 lần với loại thường. Một cây giống mãng cầu không hạt đang có giá 35.000 đồng; mít, chanh, ổi không hạt 15.000 đồng/cây, trong khi đó, các giống thường chỉ có giá 5.000-10.000 đồng/cây.
Mãng cầu không hạt có lá to bằng bàn tay, mất 15 tháng cây mới cho trái. Ảnh: Zen Nguyễn.
Tại TP HCM, loại trái không hạt được khách hàng rất quan tâm. Các cửa hàng liên tục nhận đơn đặt hàng trái và cả giống.
Anh Dương Văn Tứ, chủ một đại lý phân phối trái và cây giống ở Hóc Môn cho biết: “Nhu cầu đặt mua nhiều nhất là các loại ổi, mãng cầu, mít, chanh, nhưng các nhà vườn chỉ mới trồng thí điểm nên sản lượng không đủ cung ứng. Thường mỗi lứa thu hoạch, tôi chỉ gom được mỗi vườn vài chục kg. Riêng với giống, mỗi tháng cửa hàng tôi bán hơn 5.000 cây các loại. Cây con cũng phải gom từ nhiều trại giống mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách”.
TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng, hiện chỉ có những giống cây được Nhà nước công nhận và cho phép mới được sản xuất đại trà ở Việt Nam. Trong đó, các giống không hạt phổ biến như chanh, mãng cầu xiêm, ổi… đã được nghiên cứu quy trình gieo trồng. Một số đơn vị, địa phương cũng đã hướng dẫn người dân sản xuất.
"Tuy nhiên, vấn đề của việc sản xuất đại trà các giống cây trồng mới là phụ thuộc vào đầu ra. Người dân nên nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và trao đổi với đơn vị thu mua, để chủ động trước khi tham gia quá trình sản xuất, tránh dội chợ”, ông Phụng cho biết thêm.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã