Thời điểm này, cánh đồng thuộc ấp Vĩnh Bửu (Vĩnh Đại, Tân Hưng) nước lũ ngập lút đầu. Thế nhưng, trước sức hút từ giá cá tra tăng “nóng”, ông Nguyễn Văn Thơi vẫn thuê máy Kobe đào ao ương cá tra. Đang mùa lũ, ông Châu phải cho người be bờ xung quanh ngăn nước tràn, rồi đưa Kobe vào đào đất.
Đào ao ương cá tra giống trên đất của ông Nguyễn Văn Châu (Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An) ngay trong nước lũ tràn đồng.
“Đất này trước đây làm lúa, giờ tôi thuê lại nuôi cá. Tôi định chờ nước lũ rút mới cho Kobe vào đào ao, nhưng thấy giá cá tra lại tăng cao nên tranh thủ làm luôn”, ông Thuê bộc bạch.
Cách đó không xa, một ao ương cá tra rộng cả ha đất của con trai ông Châu cũng vừa đưa vào sản xuất. “Ao đó ương được một vụ rồi, thắng lớn”, ông cười hể hả.
Ông Nguyễn Văn Thơi, một nông dân cho thuê Kobe tại địa phương cho biết, tại huyệnTân Hưng, sau các xã: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Thạnh Hưng, Hưng Thạnh,... nông dân xã Vĩnh Đại đang ồ ạt chuyển đất lúa sang đào ao ương cá, thậm chí ngay trong mùa nước lũ đang tràn đồng.
Theo ông Thơi, tại xã này đang có khoảng 100ha đất lúa đã được nông dân đào ao ương cá bất chấp khả năng bị chính quyền địa phương xử phạt.
“Ở đây, 1, 2ha đất làm lúa quanh năm chỉ đủ ăn. Nhưng 1ha ao ương cá sau một năm có thể thành triệu phú”, ông Thơi chia sẻ. Chính vì lợi nhuận khủng từ ương giống cá tra, nên ngay sau nước lũ rút, ông Thơi cho biết sẽ cho Kobe đào 3-4ha đất làm ao ương cá tra. Hiện, ông có hơn 50ha đất trồng lúa.
Ông Thơi tính, với 1ha ao, sẽ cho thu hoạch trung bình hơn 7 tấn cá tra giống. Hiện, cá tra giống (loại 30-40 con/kg) có giá khoảng 60.000 đồng/kg (tăng gấp 3-4 lần so với cách nay hơn 1 tháng), sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu lợi nhuận 200-300 triệu đồng.
Dọc tỉnh lộ 819 ( khu vực Tân Hưng) nhiều đất lúa được nông dân chuyển sang làm ao ương cá tra giống.
Nhiều nông dân ương cá tra giống tại Đồng Tháp Mười nhận định, mặc dù thời tiết hiện nay không thuận lợi, một số diện tích ao nuôi cá bị nhiễm bệnh (gan, thận mủ; trắng gan, mang; thối đuôi, xuất huyết,...) làm giảm đầu con, tuy nhiên, do giá cá ở mức cao nên nhiều hộ nuôi cá tra giống vẫn có lợi nhuận, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha.
Theo UBND huyện Tân Hưng, do lợi nhuận từ nuôi cá tra giống cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân huyện Tân Hưng tự ý chuyển đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi cá với diện tích gần 1.100ha, với hơn 800 hộ nuôi.
Ương cá tra giống tại Đồng Tháp Mười
Đại diện UBND huyện cho biết, thời gian qua, huyện Tân Hưng lập biên bản xử phạt hành chính hàng chục trường hợp với số tiền hàng trăm triệu đồng vì có hành vi tùy tiện chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An Phạm Phú Hùng, hiện tỉnh đã có trên 1.300ha, trong khi nhu cầu con giống cá tra hiện tại chỉ cần trên 600ha là đủ cung ứng cho thị trường.
"Nông dân cần bình tĩnh, cẩn trọng đầu ra của con cá tra giống…", ông Hùng chia sẻ.
Theo Trần Đáng (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã