Giá thu mua không đủ chi phí
Vài ngày gần đây, nhiều thương lái ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre,… thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000-75.000 đồng/kg, giảm từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái, giảm từ 30.000-40.000 đồng/kg so với 2 tháng trước; còn giá tôm thẻ loại 60 con/kg cũng rất thấp, chỉ khoảng 100.000 đồng/kg.
Theo ông Võ Văn Nhựt (ngụ xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), gia đình ông vừa thu hoạch ao tôm thẻ sau khoảng 3 tháng nuôi, thương lái thu mua với giá chỉ 70.000 đồng/kg, tính ra lỗ hơn 10 triệu đồng.
Ghi nhận của phóng viên tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau, vì giá tôm thẻ sụt giảm mạnh, nhiều hộ nuôi không dám thu hoạch, có người phải để tôm trong ao đạt đến khoảng 25-30 con/kg.
Nông dân xã Nam Thái (An Biên, Kiên Giang) thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: C.L
Ông Trần Minh Hoàng (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), cho biết: “Việc tôm thẻ bị giảm giá nhiều như vậy khiến nông dân rất hoang mang. Giá thành sản xuất tôm thẻ của ta còn quá cao, cho nên với giá sụt giảm như hiện tại thì nông dân sẽ không có lãi, đặc biệt là những nông dân nuôi ao đất. Giá tôm thẻ như hiện tại là thấp nhất trong khoảng 3 năm nay”.
Còn tại Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre… nhiều hộ nuôi tôm thẻ cũng đứng ngồi không yên vì giá quá thấp. Theo nhiều nông dân nuôi tôm thẻ ở huyện Bình Đại (Bến Tre), cùng với giá thì tôm thẻ giảm thê thảm thì họ đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, bởi thời gian gần đây thời tiết nắng nóng nhưng đã xuất hiện nhiều cơn mưa.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Việt (ngụ xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang), cho biết: Hiện tại thời tiết không thuận lợi cho tôm nuôi, dịch bệnh trên tôm đang diễn biến phức tạp. Ao tôm của tôi nuôi chưa được 50 ngày đã bị nhiễm bệnh, tôi buộc phải thu hoạch sớm để tránh lây lan sang những ao nuôi khác. Với giá tôm như hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lỗ trên 100 triệu đồng.
Thời gian qua, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau khuyến cáo phòng NNPTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP.Cà Mau tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng theo quy trình tuần hoàn kín, 2 giai đoạn hoặc quy trình biofloc... Nhằm hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường, ít rủi ro, tăng năng suất, sản lượng. |
Ngoài việc tôm thẻ chân trắng được thu mua với giá thấp, có nơi thương lái còn đưa ra hình thức mua “đồng giá” 65.000 đồng/kg với loại 60 - 100 con/kg, thay vì mua theo kích cỡ như trước đây.
Theo tính toán của nông dân, để nuôi được 1kg tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, người nuôi phải đầu tư chi phí khoảng 70.000-75.000 đồng, chưa kể khấu hao trang thiết bị và công lao động. Đó là trong điều kiện nuôi thuận lợi, còn nếu gặp phải rủi ro thì lỗ càng nặng.
Chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước
Cách nay khoảng 5 năm, phong trào nuôi tôm thẻ bùng nổ ở các tỉnh ĐBSCL, hàng loạt hộ đã chuyển từ tôm sú sang nuôi tôm thẻ; có nơi đốn bỏ mía, phá rau màu để đào ao nuôi tôm thẻ, nhằm thu lợi nhuận cao, hy vọng đổi đời.
Vài năm gần đây, trong khi việc nuôi tôm sú ở ĐBSCL ngày càng gặp nhiều rủi ro thì tôm thẻ chân trắng có ưu thế năng suất cao, dễ bán, chi phí thấp. Ngoài ra, tôm thẻ có lợi thế là thời gian thu hoạch nhanh, do vậy nông dân có thể quay vòng đến 3 vụ nuôi/năm. Cũng từ đó, con tôm thẻ chân trắng được nông dân nuôi ngày càng nhiều.
Theo các nhà nhà chuyên môn, do thời gian qua tôm thẻ phát triển quá nhanh, cộng với hiện nay một số nước giảm giá bán tôm thẻ, thương lái Trung Quốc giảm thu mua qua đường tiểu ngạch… dẫn đến giá tôm thẻ xuống thấp. Bên cạnh đó còn do đối tác nhập hàng của các công ty chế biến, xuất nhập khẩu không lấy nguồn hàng tôm lớn, mà chỉ chọn loại từ 90 - 100 con/kg.
Ngoài ra, các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng gặp phải cạnh tranh gay gắt khi xuất khẩu tôm sang Mỹ, do tác động từ việc Ấn Độ bán tôm giảm giá. Trong khi đó, sắp tới tôm Thái Lan cũng bước vào vụ thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Sang - Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, thông tin: Nguyên nhân chính khiến giá tôm thẻ giảm là do giá tôm trên thế giới giảm. Riêng cỡ tôm từ 70 đến dưới 100 con/kg thì giảm giá nhiều, có thể là do ở các nước số lượng thu hoạch tôm ở kích cỡ này tăng, cho nên cung vượt qua cầu.
“Hiện nay giá thị trường đang giảm do vậy giải pháp trước mắt là cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Theo đó, nếu tôm nuôi không đạt thì nông dân nên thu hoạch sớm để không bị lỗ vốn” - ông Sang phân tích.
Tại nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL có thế mạnh là con tôm đã khuyến cáo người dân, để phát triển bền vững thì nên áp dụng đa dạng, linh hoạt giữa nuôi tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh một cách phù hợp theo nhu cầu thị trường. Hơn nữa, cần giảm dần phụ thuộc nhiều vào tôm thẻ để tránh tình trạng bị rớt giá như hiện nay…
Theo Chúc Ly (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã