|
Vừa tham dự hội thảo giống lúa Gia Lộc 102 ở Quảng Bình về, Kỹ sư - Giám đốc Công ty CP vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh Võ Thanh Hải đã điện thoại ngay cho anh em tôi: “Lại thêm một địa phương nữa “ô kê” Gia Lộc 102 anh ạ! Tại Hội thảo, từ lãnh đạo Sở NN&PTNT đến các nhà khoa học, quản lý và bà con thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đều khẳng định sắp tới sẽ mở rộng diện tích lên nhiều hơn. Bởi hè thu mà lúa này đẹp hơn cả vụ đông xuân, năng suất đến 55 tạ/ha, chỉ đứng thứ 2 sau 6 loại giống lúa hiện có mà dự án SNV khảo nghiệm tại tỉnh Quảng Bình”.
Cầm trên tay mấy bông lúa vàng hươm, uốn câu vì quá sây hạt mang từ Quảng Bình về khoe với tôi, Võ Tá Quang, một nhân viên của Công ty cho biết: bà con ở thôn Lộc Long đều rất tâm đắc với Gia Lộc 102. Nhiều hộ nói rằng, mới 2 kg giống trên 1 sào mà đã thế này, nếu biết thế tăng thêm 1 kg nữa thì năng suất sẽ ăn đứt các “anh” khác. Chỉ mới 80- 82 ngày thôi mà lúa đã chín vàng cả cánh đồng, hạt đều tăm tắp từ đầu đến cuối bông, không có một hạt lép. Chính vì thế mà lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Bình đã kết luận tại hội thảo là, tỉnh sẽ đưa Gia Lộc 102 vào thay Xuân Mai 12 và MT 32 cho sản xuất thử trên diện rộng và cơ cấu vào vụ đông xuân và hè thu 2014 trong dự án SNV của tổ chức phát triển Hà Lan.
Nhớ lại cách đây mấy hôm, tôi được mời đi cùng các anh lãnh đạo Công ty và phòng NN&PTNT thị xã Hồng Lĩnh kiểm tra cánh đồng Nại của xã Thuận Lộc. Từ đằng xa, chúng tôi đã có thể nhận biết đâu là Giống Gia Lộc 102. Bởi giữa một màu xanh ngăn ngắt của các trà lúa khác đang thời kỳ trổ bông là màu chín vàng rộm của cánh đồng Gia Lộc 102 do 13 hộ xóm 11 sản xuất thử.
Quả thật, khác hẳn với các thửa ruộng cấy giống khác do chăm sóc hay tại giống chưa phù hợp trông vừa cằn cỗi, thưa thớt, lúa trổ loi thoi, thì 1,25 ha lúa Gia Lộc 102 đều tăm tắp, bông tròn, hạt mẩy trông thật ngon mắt. Gặp các chị Diệp Thị Bình, Hoàng Thị Dung xóm 11 và anh Phan Hồng Tuấn, thôn Hồng Lam ra thăm đồng, mắt ai nấy lấp lánh niềm vui được mùa. Các chị Bình và Dung cho biết: Giống Gia Lộc 102 dễ chăm bón, nhanh ăn, năng suất không thua thậm chí còn cao hơn một số giống khác. Các chị ước tính, lúa Gia Lộc 102 ở cánh đồng này chắc chắn đạt tới 2,6 - 2,7 tạ/ sào. Điều đáng mừng nhất là nó cho thu hoạch sớm, sớm hơn cả Khang Dân đến 15- 16 ngày. Trong lúc các nơi khác đang thấp thỏm lo âu sợ không kịp tranh cướp với lũ, thì “anh” Gia Lộc 102 đã chắc suất bỏ bồ, khô khén rồi! Kỹ sư Lê Xuân Cầu- Giám đốc Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Hồng Lĩnh, khẳng định: thị xã sẽ cùng Công ty tổ chức tọa đàm với bà con 13 hộ để rút kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật chăm bón và thời vụ nhằm bổ sung hoàn thiện hơn cho các vụ sau. Được bà con đồng tình cao, Hồng Lĩnh sẽ phối hợp với Công ty để mở rộng hơn về diện tích trong năm tới.
Kỹ sư Võ Thanh Hải cho biết: vụ hè thu này, Công ty liên kết với các xã Kỳ Phú, Kỳ Bắc, Kỳ Khang, Kỳ Đồng của huyện Kỳ Anh sản xuất trên diện tích 200 ha và 3 xã của huyện Hương Khê là Phúc Trạch, Gia Phố, Hương Xuân sản xuất giống Gia Lộc 102 trên 136 ha. Trong đó, Công ty chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện chính sách “trả chậm” sau thu hoạch nhằm sẻ chia gánh nặng với bà con nông dân. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và có sự chỉ đạo thường xuyên của phía công ty nên nói chung kết quả xã nào cũng khá. Năng suất dự kiến đều đạt từ 40 tạ/ha trở lên.
Theo ông Nguyễn Đình Tuệ - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Đồng: vụ đông xuân xã sản xuất 34 ha, thu về 80 tấn lúa. Điều đáng nói thêm, với Gia Lộc 102 không chỉ ưu việt ở sự ngắn ngày mà còn ở chất lượng gạo ngon, cho giá trị kinh tế cao. Trong khi ở địa phương, các giống lúa khác chỉ bán với giá trên dưới 51 nghìn đồng/ yến thì ở đây, Gia Lộc 102 giá lên tới 75 nghìn đồng/yến vẫn được người mua chấp nhận. Vụ hè thu này, nhận thấy sự nổi trội về nhiều mặt của nó, bà con ở đây đã tự động mở rộng diện tích sản xuất trên 90 ha.
Cũng theo Giám đốc Công ty Võ Thanh Hải, vu hè thu 2013, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh tổ chức sản xuất gần 1.000 ha Gia Lộc 102. Trong khi các giống khác phải 15- 20 ngày nữa mới chín thì các xã gieo giống Gia Lộc 102 đã và đang thu hoạch rộ. Có xã như Đức La – xã thấp trũng ngoài đê của huyện Đức Thọ thường xuyên phải lo gặt lúa chạy lụt, nay lúa đã gặt cho vào kho cách đây cả tuần lễ. Tuy vậy, bởi là giống lúa cực ngắn ngày dành cho những vùng quê tránh lũ, nên có một số diện tích hè thu năm nay tại các huyện Hương Sơn, Đức Thọ năng suất không được như dự kiến. Nguyên nhân chính theo các nhà khoa học của Viện Cây lương thực và Thực phẩm, Bộ NN& PTNT thì năm nay thời tiết rát cực đoan, nhiệt độ cao, mưa nhiều, độ ẩm cao, kết hợp với biện pháp làm đất của người nông dân chưa tốt, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh thối rể phát triển, gây lép hạt. Đặc biệt, đối với các trà lúa trổ từ các ngày 12/7 đến 24/7, gặp bão số 5 và các trà lúa trổ từ 7 đến 9/8 gặp mưa bão số 6 thì càng khó tránh khỏi thất bát.
“Sớm một ngày, hay nhiều điều”, là câu nói cửa miệng của người dân vùng lũ đối với vụ lúa hè thu. Chỉ cần nhanh được một ngày, thậm chí vài ba giờ là lúa của mình. Còn lúa đang nằm ngoài đồng là lúa của Hà Bá. Chính vì điều này mà Gia Lộc 102 trở thành giống lúa hè thu cứu cánh của bà con, đang được nông dân nhiều tỉnh ở miền Trung chấp nhận! |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã