Đến nay, giá lúa khô chất lượng cao đã vượt mốc 7.000 đồng/kg và đạt mức 7.100 - 7.200 đồng/kg. Lúa khô loại thường hiện cũng đã ở mức 6.700 - 6.800 đồng/kg.
Giá gạo trong nước đang tăng mạnh tới mức "hấp dẫn" do nhu cầu thu mua lúa gạo của các doanh nghiệp trong nước tăng cao nhằm đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đã trúng thầu sang Indonesia (gồm 2 đợt: 441.000 tấn) và Philippines (130.000 tấn).
Giá lúa khô tại ruộng cũng như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong 4 năm qua. Ảnh: I.T
Trong khi đó, lúa hàng hóa vụ đông xuân đã kết thúc thu hoạch, còn diện tích thu hoạch của vụ hè thu thì chưa đáng kể. Tính đến thời điểm này, giá lúa khô loại thường tại khu vực ĐBSCL đã đạt 6.700-6.800 đ/kg, tăng từ 200-300 đồng/kg so với 2 tuần trước; lúa thơm đạt tới 7.100 - 7.200 đồng/kg, tăng 300 - 400 đồng/kg so với tháng trước.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 8.200 đồng – 8.300 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 8.000 đồng – 8.100 đồng /kg tùy chất lượng và địa phương.
“Thương lái đã đặt cọc mua lúa tươi tại ruộng với giá 118.000 đồng/giạ (gần 6.000 đồng/kg). Mức giá này cao hơn gần 15.000 đồng/giạ so với đầu vụ lúa đông xuân” – anh Trần Văn Hết, nông dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Nếu so với cùng kỳ năm 2017, giá lúa đang cao hơn khoảng 400 – 500 đồng/kg.
Không chỉ thế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, chúng ta liên tiếp trúng các gói thầu ở nhiều nước. Cụ thể đến đầu tháng 6/2018, Việt Nam đã xuất khẩu 2,6 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,45 tỷ USD, tăng 54% khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lúa loại thường tại ĐBSCL hiện đã tăng 200-300 đồng/kg so với 1 tuần trước. Ảnh: I.T
Đáng chú ý là phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm của Việt Nam ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong xuất khẩu (khoảng 80%). Phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%, còn lại là các loại gạo khác.
Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm là Trung Quốc với 33,5% thị phần xuất khẩu (đạt 699,6 nghìn tấn và 370,8 triệu USD), và Indonesia với 16,3% (đạt 384,5 nghìn tấn và 180,7 triệuUSD). Các thị trường có lượng xuất khẩu tăng trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái là Indonesia với 384,5 nghìn tấn (so với chỉ 1.000 tấn cùng kỳ nămngoái), Iraq với 90 nghìn tấn (gấp 11,5 lần), Malaysia (gấp 2,87 lần), và Ghana (1,24 lần).
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt khoảng 6,7 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2017, chủ yếu tăng ở các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Bên cạnh tăng trưởng về lượng thì giá gạo xuất khẩu trong tháng 5 cũng tiếp tục tăng. Giá gạo xuất khẩu trung bình tháng 5 đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 458 – 462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5.
Đây là mức cao nhất trong vòng gần 4 năm qua và cao hơn giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ là 404 – 408 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 435 – 440 USD/tấn.
Trong thời gian tới, bên cạnh các thị trường nhập khẩu gạo lớn là TrungQuốc, Indonesia, Philippines tiếp tục tăng nhập khẩu, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu nhập khẩu các loại gạo trắng, gạo tấm, gạo thơm của các nước châu Phi (như Bờ Biển Ngà, Senegal, Nigeria) cũng sẽ tăng. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Philippines có thể phải nhập tới 1,1 triệu tấn gạo trong năm nay và là một trong những nước mua gạo lớn nhất năm 2018.
Tin mới nhất là Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) vừa cho phép thương nhân nhập khẩu đến 805.200 tấn gạo theo cơ chế hạn ngạch hàng năm. Lượng gạo này sẽ góp phần thúc đẩy cung cấp nội địa và kềm chế giá gạo tại quốc gia này. Lượng gạo nhập khẩu trên sẽ được giao hàng vào đầu tháng 7 và hoàn tất vào tháng 2/2019. Theo hướng dẫn nhập khẩu của NFA, các thương nhân được phép nhập khẩu gạo trắng 25% tấm, với mức thuế 35%. Lượng gạo NK theo hạn ngạch nói trên sẽ làm cho tổng nhập khẩu gạo năm nay của Philippines đến 1,3 triệu tấn, trong đó gồm 0,5 triệu tấn mà NFA đã mua để phù đắp tồn kho đệm. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng sản lượng gạo xuất khẩu trong năm nay. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã