CPTPP là một trong những hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định chiếm 13,5% thương mại toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.
Rất khả quan
Sau 5 năm với nhiều cuộc đàm phán kéo dài, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tưởng chừng đã đi đến hồi kết thì bất ngờ bị phá bỏ khi Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump rút lui. Tuy nhiên, để ngăn sự đổ vỡ, bằng sự dẫn dắt của Nhật Bản, một hiệp định mới được coi là tiến bộ với tính khả thi cao tiếp tục được đàm phán và ký kết, đó chính là CPTPP gồm 11 nước thành viên còn lại.
Điểm mới của Hiệp định này là đã hoãn 20 điều khoản gây nhiều tranh cãi trong TPP và mở rộng cơ hội cho các nền kinh tế khác gia nhập. Thế nhưng nhìn một cách toàn diện, nhiều người vẫn nghi ngại khi liên minh kinh tế này không còn rộng về thị trường, mạnh về kinh tế hay kim ngạch thương mại đa phương như khi còn đủ 12 nước thành viên trước đó.
Theo ước tính của các chuyên gia, nếu tính cả Mỹ, khối 12 nước tham gia TPP có tổng quy mô kinh tế tính theo GDP là khoảng 30.000 tỷ USD (năm 2016). Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút, 11 nước còn lại tham gia CPTPP có quy mô kinh tế khoảng 12.000 tỷ USD (năm 2016). Tương đương, khi còn Mỹ, thì sân chơi này chiếm tới 40% GDP và 26% thương mại toàn cầu, nhưng 11 nước còn lại hiện chỉ còn lần lượt là 14% và 13,5%. Rõ ràng, đã nhỏ đi rất nhiều. Cùng đó, với CPTPP thì GDP của Việt Nam chỉ tăng thêm khoảng 1,32%, trong khi TPP con số này là 6,7%; xuất khẩu dự kiến tăng thêm khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với 15% ở hiệp định cũ; nhập khẩu sẽ tăng 3,8%, trong khi ở TPP ước là 10,5%.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với CPTPP, nhiều ngành kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi lớn, có thể kể đến như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và nhất là nông nghiệp. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ, trái với sự hẫng hụt của dệt may, da giày do khó có thể đạt được tăng trưởng đột phá như kỳ vọng, các lĩnh vực nông sản, thủy sản vẫn nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu khi Hiệp định này có hiệu lực.
Cơ hội thủy sản đến đâu?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, TPP hay giờ là CPTPP thì cùng với cơ hội rộng mở, khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp phải đối mặt chắc chắn rất nhiều. Đầu tiên, đó chính là khả năng thích ứng. Tiếp đến là việc sản xuất hay kiểm soát thị trường, bởi những yếu tố này của chúng ta hiện vẫn đang đi sau các nước một đoạn khá xa. Để có thể tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần phải tích cực tự thân vận động, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc nâng cao chất lượng sản xuất.
Riêng với ngành thủy sản Việt Nam, điều mà các doanh nghiệp trông chờ nhất chính là thị trường Mỹ. Bởi mặc dù có nhiều rào cản khắt khe khi đưa sản phẩm vào nước này, thế nhưng Mỹ vẫn là đích nhắm của nhiều doanh nghiệp. Tính chung, Mỹ hiện vẫn chiếm tới 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và là thị trường lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam hàng chục năm nay. Do vậy, việc không có Mỹ tham gia CPTPP cũng khiến các doanh nghiệp bị hẫng.
Vậy không có Mỹ liệu có phải mất tất cả? Điều này có lẽ còn phải xét lại. Bởi nếu như TPP vẫn được triển khai, ngành thủy sản đương nhiên nhìn thấy lợi ích rõ rệt. Thế nhưng, các sản phẩm thủy sản cũng không phải cứ muốn xuất sang là được. Vì trên hết, nước Mỹ vốn nổi tiếng với những rào cản khắt khe về chất lượng sản phẩm hay chương trình thuế chống bán phá giá. Mục đích để bảo vệ sản xuất trong nước và an toàn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, dù “vắng cô” thì “chợ vẫn đông”, bởi hiện sân chơi này còn tới 11 quốc gia, trong đó, Nhật Bản là đối tác lớn và truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam và còn một Australia rất tiềm năng. Chỉ cần Nhật Bản hay Australia “mở rộng” cửa vào với các sản phẩm thủy sản Việt Nam hơn nữa, kim ngạch xuất khẩu của ngành cũng sẽ tăng lên khá nhiều. Chưa kể còn 9 nước thành viên khác.
Hãy tận dụng cơ hội
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tham gia Hiệp định là tất yếu, bởi nếu không rất có thể giao thương của các nước với Việt Nam sẽ bị giảm sút mạnh khi các thành viên ưu tiên cơ hội cho nhau. Hơn nữa, trong sân chơi này vẫn có những thị trường mới và như thế có nghĩa là chúng ta đã có thêm “điểm đến” mới. Quan trọng hơn, với CPTPP, dù cơ hội Mỹ quay trở lại rất nhỏ nhưng lại vô cùng mở với các nền kinh tế khác, điển hình nhất là nước Anh cũng đang để ngỏ cơ hội tham gia, nhất là sau sự kiện Brexit. Khi đó, sân chơi rộng hơn thì doanh nghiệp lại có nhiều cơ hội hơn.
Còn chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, trước mắt doanh nghiệp hãy chứng tỏ mình, tận dụng hết các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, như với Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Và dõi theo con đường tới Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ.
Nhưng trên hết, thay đổi mình có lẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu. Bởi khi đủ điều kiện, họ sẽ có thể “tỏa sáng” ở mọi nơi mà không cần phải trông chờ quá nhiều vào những hiệp định hay thỏa thuận nào đó.
Hiệp định CPTPP được thành lập với mục tiêu xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, còn thống nhất nhiều quy tắc chung về sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm và an toàn lao động… 11 thành viên của CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã