Học tập đạo đức HCM

Hết trâu sẽ đến nghé?

Thứ ba - 12/06/2012 03:47
Không chỉ có những nơi lái buôn Trung Quốc trực tiếp đến mua trâu mộng, mà khắp các địa phương, từ miền núi xuống đồng bằng, từ Quảng Bình cho đến địa đầu tổ quốc Hà Giang, hàng trăm lái trâu người Việt đang ngày đêm sục sạo mọi ngõ ngách mua về những con trâu càng to càng tốt để bán cho người Trung Quốc.

>> Nóng bỏng nạn trộm cắp trâu, bò
>> Mua bán trong chớp mắt
Ra đường gặp lái trâu
Vừa bán xong đàn trâu mộng cho “đầu bằng” Xịt, mấy ông chủ Đô Lương (Nghệ An) mời chúng tôi cùng một số chủ ở Bắc Giang, Bắc Ninh vào làm chén rượu nhạt. Lái trâu tên Tú ở Đô Lương bảo, bình thường, cứ xong phiên chợ, cả cái dãy quán thịt bò, bê này đông nghịt tư thương ngồi nhậu, nhưng đợt này lái Trung Quốc thu mua dữ quá nên vừa bán xong cái là họ lên đường đi thu mua ngay, không chén chú chén anh nữa.
Theo những ông chủ này, chưa bao giờ chợ trâu bò Đại Sơn lại lộn xộn như thời điểm hiện nay. Họ chửi bới, chặn đường, dọa dẫm, đánh nhau để tranh cướp địa bàn, mối thu mua trâu mộng. “Bác bảo, ngay cả thằng bán nước trà, biết gì về trâu bò mà cũng đi mua trâu mộng. Hay ngay cả những lái trâu đã 70, 80 tuổi, gác kiếm từ đời nào rồi, đi chả còn vững nữa cũng được các chủ trâu dựng dạy thuê đi bắt trâu mộng (cầm trâu) về bán cho ông Xịt thì không lộn xộn sao được? Hồi sáng, bác vào đây có nhìn thấy 2 ông già cùng với mấy thanh niên đứng ở đầu đường vào chợ không? Ông già chặn đường mua trâu của lái rồi bán lại cho bọn ông Xịt đấy. Bọn em cũng không biết người Trung Quốc mua kiểu gì nữa. Mấy bữa nữa ông Xịt dừng mua cái là khối ông mất nghề. Em thì em làm chắc bác ạ, cứ mua ở những địa bàn quen thuộc của mình, có bò mua bò, có trâu mua trâu, mỗi chuyến làm ít lãi nuôi vợ con là được rồi. Thằng bạn em đây (tên Hải) từ Quế Võ (Bắc Ninh) vào nhờ em bắt trâu to, nhưng không cạnh tranh được với giá ông Xịt bác ạ. Từ sáng đến giờ hết phiên chợ rồi mà nó mới mua được hơn 10 con, trong khi đó xe 3 chân thuê rồi, kiếm đâu được 30 con trâu nữa để đủ xe bây giờ? Nghề này nhọc lắm chứ bác”, Tú tâm sự.

Trâu được tập trung chờ đưa sang Trung Quốc
Lúc đầu hỏi chuyện, lái trâu tên Hải ở Quế Võ (Bắc Ninh) còn chối quanh là mua trâu về cấp cho các lò mổ để thịt, nhưng sau Hải nói thật là vào Đô Lương gom trâu chở đi Móng Cái (Quảng Ninh) bán cho người Trung Quốc. “Khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang lùng cả ngày mới được 1 con nên em mới vào đây đêm qua. Nhưng giá ở đây căng quá, lão Xịt mua quá cao. Chắc đất này cũng khó nhằn", Hải nói.
Ngược từ Đô Lương ra Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh, đến đoạn huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), chúng tôi gặp xe trâu của anh Lê Công Tuấn, lái trâu huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Tuấn cho biết, trước khi người Trung Quốc thu mua trâu mạnh, anh là người chuyên đi vào chợ Đại Sơn ở Đô Lương mua trâu mộng về bán cho bà con ở các bản để làm trâu cày ruộng, thi thoảng mới mua lại trâu của dân bản bán cho các lò mổ, nhưng nay thì Tuấn đã quay sang đi vào các bản lùng mua trâu mộng bán cho người Trung Quốc.
“Mỗi ngày ở mấy huyện miền tây Thanh Hóa như Cẩm Thủy, Như Xuân, Ngọc Lặc giáp đường Hồ Chí Minh có cả trăm con trâu mộng được các tư thương thu mua để bán cho người Trung Quốc. Trước đây vùng này chỉ có một hai chủ thu mua trâu nhưng nay thì có cả chục người. Quân từ Hà Nội, Vĩnh Phúc vào, Nghệ An ra… Cứ ra đường là gặp lái trâu. Như quân của ông Thanh ở Vĩnh Phúc, hắn vào nằm tại bản hàng đêm để vận động bà con bán trâu mộng. Quân này ăn đậm phải biết. Bọn tôi đây không bán được trực tiếp cho người Trung Quốc mà còn kiếm đôi ba triệu/con trâu rồi", Tuấn cho biết.
Theo lời Tuấn, những lái trâu cỏn con không tiếng tăm gì như anh, vào chợ Đại Sơn mua trâu bò thì được, nhưng mang trâu bò vào chợ này bán thì đều phải "bước qua xác" những ông chủ trâu bò lớn ở Đô Lương. Tuấn bảo: "Từ ngày người Trung Quốc về tận chợ Đô Lương mua trâu mộng, những lái trâu bé như bọn em không được mang trâu vào chợ bán mà buộc phải bán lại cho các ông chủ lớn ở đây, từ cách chợ 2 km. Thành luật rồi ông ạ, thằng nào cố tình vào, nó "thịt" ngay".
Cũng trên đường Hồ Chí Minh, trong một quán cơm đoạn Hòa Bình, chúng tôi tình cờ gặp một chủ trâu ở Hà Đông (Hà Nội) tên Tuấn "đồ tể" đi xe Santafe biển 29 (Hà Nội) đưa quân vào khu vực này thu mua trâu cho người Trung Quốc. Tuấn "đồ tể" cho hay, sau vài ngày vào khu vực giáp ranh Hòa Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa chưa trực tiếp mua của dân được con nào, chủ yếu mua lại của các lái trâu trong vùng. Hiện đội quân của Tuấn "đồ tể" có khoảng 30 người, nằm rải rác từ Sơn La, xuống Hòa Bình, Thanh Hóa để săn mua trâu mộng mang đi Móng Cái bán cho Trung Quốc.
“Dạo này Trung Quốc hút hàng khiếp quá, anh em chúng nó trắng đêm đi vào tận các bản lùng, nhưng cũng phải vài ngày mới kiếm được 1 xe. Bản nào có trâu to, dù có đang cày dưới ruộng cũng phải lôi kỳ được lên bờ”, Tuấn "đồ tể" khoe.
"Trâu mộng sẽ cạn"?
Chủ trâu tên Th. ở Thanh Hà (Hải Dương) cho hay, vào thời điểm này ngày nào ông cũng có xe chở trâu chạy đi Móng Cái bán cho người Trung Quốc. Nhờ có mối quan hệ làm ăn lâu dài với người Trung Quốc nên thi thoảng thì “đầu bằng” mới về tận doanh trại của ông ở Thanh Hà để bắt trâu. Địa bàn bắt trâu mộng của ông Th. rất rộng, từ Yên Bái, Phú Thọ đến Cao Bằng, Hà Giang. Hiện tại ông có hàng chục lính đi áp tải trâu mộng từ các vùng này về. Đồng thời, có nhiều ông chủ lớn ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định thông qua ông để bán trâu cho người Trung Quốc.
Đệ tử của ông Th. tên Hải - một thủ lĩnh chuyên đi áp tải trâu mộng từ khu vực Yên Bái về Thanh Hà cho biết: “Đến thời điểm này trâu mộng có vẻ đã cạn. Thực tế thì lái buôn Trung Quốc “ăn” trâu mộng từ đầu năm 2012, nhưng “ăn” dồn dập từ đầu tháng 4 đến nay, đồng thời lái Trung Quốc cũng tranh nhau mua lấy được, không kể giá cao thấp, nó hút hàng ghê gớm, trong khi đó trâu mộng ở nước mình chỉ có ở các bản vùng trung du miền núi và đa phần nó là “đầu cơ nghiệp” của đồng bào dân tộc, làm nhiệm vụ kéo gỗ, cày ruộng nên càng ngày mua càng khó. Chỉ khi lái Trung Quốc mua giá cao ngất, chúng em mới mua của dân được nhiều, chứ không khó mua lắm. Vả lại, đến thời điểm này bà con có vẻ sợ, sợ vì không có trâu cày. Nó dở cái là bà con bán trâu mộng đi, có tiền dành ra ăn chơi hay làm gì đó một phần, phần còn lại họ phải mua trâu nhỏ hoặc nghé vào để cày ruộng. Nhưng nhiều người bán trâu thì lại có nhiều người mua nghé, nên nó đắt khủng khiếp. Giờ bọn em phải kiếm những địa bàn dân lái chưa có mặt thì mới mua được nhiều trâu mộng”.

 
"Từ ngày lái buôn Trung Quốc thu mua trâu mộng nhiều đến nay, lò mổ của tôi mỗi ngày mổ khoảng 10 con cũng không kiếm được trâu to mổ. Các lái trâu cung cấp hàng cho tôi nói không thể mua được trâu to vì giá quá cao. Nếu như cầm cân chuẩn thì hiện nay giá thịt trâu họ bán tại chợ cho người Trung Quốc cao hơn 10-15.000 đồng/kg so với giá tôi bán ra tại lò mổ", ông V. chủ lò mổ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo nhận định của các ông chủ trâu bò, lượng trâu mộng từ Quảng Bình trở ra Bắc hiện hiện nay không còn nhiều. Nếu cứ đà này thì lái trâu Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng giá để gom được trâu mộng. Hiện nay giá thị trâu sau khi cầm có hôm đã lên đến 170.000 đ/kg.
“Chỉ khoảng 1 tháng nữa là hết trâu mộng. Anh em chúng tôi cũng xác định tập trung ngày đêm gom hàng thêm 1 tháng nữa thôi. Vì tháng nữa là tới vụ mùa rồi, khi đó dân cần trâu cày ruộng nên sẽ rất khó mua. Nếu lái Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng giá thì việc thu gom trâu mộng sẽ còn dài dài", H "mõ", một chủ lớn ở Hà Đông (Hà Nội) khẳng định.
Theo một số chủ trâu bò, lái trâu Trung Quốc nói tới đây cạn trâu mộng sẽ chuyển sang mua nghé. Trong khi đó trâu của Lào nhập lậu qua các tỉnh biên giới ở miền Trung về nhiều, nhưng thuần lại khó, nên dân không mua để nuôi mà chủ yếu bán cho các lò mổ làm thịt. Như thế thì trâu của Việt Nam sẽ có ngày cạn kiệt?
  

 
Theo NNVN
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập213
  • Hôm nay21,933
  • Tháng hiện tại889,444
  • Tổng lượt truy cập90,952,837
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây