Sự cần thiết của rau quả an toàn
Mô hình trồng rau an toàn
Về thành phần dinh dưỡng, giá trị chính của rau quả là cung cấp cho cơ thể nhiều chất có hoạt tính sinh học, giúp con người khỏe mạnh và sống lâu. Những chất sinh học trong rau quả có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và phòng ngừa ung thư đại tràng. Các loại vitamin và chất khoáng có trong rau quả là các yếu tố vi lượng rất cần cho sự phát triển của trẻ em, góp phần phòng chống các bệnh nhiễm trùng, tim mạch và ức chế sự phát triển khối u ác tính. Một số loại rau quả có chứa các cấu tử kháng đột biến, chống ôxy hóa, chức năng hoại tử tế bào ung thư, kích thích và tăng cường việc sản xuất kháng thể.
Rau quả là nguồn dinh dưỡng cần thiết như thế cho sức khỏe, song hiện nay nó đang tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm hoá chất độc hại. Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với lượng tồn dư quá cao trong rau quả là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc gây rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt và ung thư, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong cao.
Cận cảnh khoai lang gieo không cần đất
Theo các báo cáo khảo sát tại nhiều tỉnh thành trong nước ta, các loại rau, quả, đậu đỗ còn lưu tồn một lượng lớn thuốc BVTV bị cấm dùng, nhất là thuốc sát trùng gốc lân như monitor (methamidophos). Với cường độ sản xuất rau ngày càng tăng, mối quan tâm về an toàn thực phẩm rau đã leo thang, đặc biệt là số lượng thuốc trừ sâu áp dụng quá cao (10-12 lần/chu kỳ rau) và phân bón áp dụng cho các lô đất nhỏ được sử dụng để sản xuất rau, đặc biệt là ở các khu vực ven đô, trong một nỗ lực để thúc đẩy năng suất cao.
Việc thiếu giống rau kháng sâu bệnh đã làm cho tình trạng này càng xấu hơn. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng ở Hà Nội 9% của tất cả các mẫu rau vượt quá giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu 5-10 lần và 7% mẫu được phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu bị cấm. Kết quả là, hàng năm có hàng ngàn trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn các loại rau có dư lượng thuốc trừ sâu cao Ngoài ra, việc sử dụng thuốc trừ sâu quá mức đã làm cho sâu quen thuốc, gây hại cho cây trồng nặng hơn.
Hiện nay, người trồng rau quả ở Việt Nam có chưa chú ý đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, kỹ thuật trồng rau quả theo tiêu chuẩn GAP còn chưa phổ biến, việc dùng hạt giống không tốt, bón phân không đúng, thiếu chăm sóc phát hiện kịp thời những côn trùng, mầm bệnh mới xảy đến đã làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của rau quả. Bên cạnh đó, vì lợi ích cá nhân nên người nông dân đã áp dụng bừa bãi nhiều thuốc BVTV và chất kích thích tăng trưởng để cứu hoa màu của mình mặc dù biết chắc sẽ có hại cho sức khỏe của khách hàng tiêu dùng. Ngoài những nguyên nhân chủ quan của người nông dân, những nguyên nhân khách quan như đất trồng còn bị thiếu dinh dưỡng, lưu tồn hóa chất độc hại; nguồn nước và không khí ô nhiễm; thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh... cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng rau quả.
Thật không may cho người tiêu dùng Việt Nam và du khách nước ngoài đến Việt Nam nếu họ hàng ngày ăn phải rau quả chứa nhiều hóa chất độc hại, việc ảnh hưởng đến sức khỏe là điều khó tránh khỏi. Do đó, việc sản xuất rau quả an toàn vệ sinh thực phẩm là một nhu cầu bức thiết hiện nay, trở thành vấn đề sống còn của tương lai đất nước.
Cần lắm Trung tâmsản xuất rau an toàn!
Để tìm hướng đi cho sản xuất rau quả an toàn vệ sinh thực phẩm, Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ), chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam và Quốc tế.
Thưa Giáo sư, hiện nay nhu cầu rau quả an toàn là rất lớn, tuy nhiên những mô hình rau quả sạch vẫn chưa nhiều. Giáo sư có sáng kiến nào về sản xuất rau quả an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp ra thị trường?
Từ rất lâu tôi đã có ý tưởng về một dự án Trung tâm Công nghệ sạch sản xuất rau an toàn, phân bón, thuốc trừ sâu và dịch vụ tư vấn nông nghiệp. Đối tượng phục vụ của dự án là những người tiêu dùng Việt Nam từ những bà nội trợ đến các cháu thiếu nhi tại các nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học; các công nhân tại các khu công nghiệp; bộ đội, công an, công nhân viên chức tại các công sở... bên cạnh đó dự án sẽ là nguồn cung rau quả an toàn cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là rất lớn, chính vì thế để giữ lại được hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế; rau quả, thực phẩm sạch sẽ là một trong những tiền đề để thực hiện điều đó.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe của cộng đồng người Việt Nam và khách nước ngoài trong tình trạng thị trường rau quả trong tỉnh nhà và các tỉnh thành nước ta bị nhiễm nặng các hóa chất BVTV và thú y độc hại sử dụng bởi nông dân và người chăn nuôi.
Trung tâm Công nghệ sạch được xây dựng nhằm lập kế hoạch qui trình và sản xuất rau sạch, không sử dụng bất cứ hóa chất nông nghiệp nào đang bị cấm trên thị trường quốc tế và Việt Nam, nhằm cung cấp cho các đối tượng phục vụ của dự án; trang bị đầy đủ kiến thức về sử dụng hóa chất BVTV và chất kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các biện pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu; chế tạo phân bón vi sinh, hữu cơ có hiệu quả cao đối với cây trồng giá trị cao; chế tạo thuốc BVTV sinh học trừ sâu hại cây trồng giá trị cao và cung cấp dịch vụ tư vấn nông nghiệp cho mọi đối tượng khách hàng có nhu cầu.
Vậy dự án sẽ bao gồm những hạng mục nào?
Phương án thực hiện chính của dự án sẽ là việc tổ chức trồng rau trong nhà màng với diện tích mặt bằng 14.000 m2, trong đó dự án sẽ xây dựng 4 nhà màng loại 20x50 m với đầy đủ trang thiết bị để trồng rau theo thủy canh như cải xanh, rau muống, cà chua, bầu, bí,... Bên cạnh xây dựng nhà màng, dự án sẽ còn có các công trình như như trại chuận bị vật liệu, kho nông cụ, xưởng tiệt trùng, đóng gói...
Về nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh sẽ có diện tích mặt bằng 15.000m2, cụm công trình sẽ bao gồm phòng vi sinh; bãi chứa vật liệu phế thải dùng làm nguyên liệu xử lý vi sinh làm phân hữu cơ; xưỡng đóng bao và kho chứa phân thành phẩm. Cụm sản xuất thuốc sinh học trừ sâu có diện tích mặt bằng 5.000m2 bao gồm phòng chiết xuất tinh dầu neem (sầu đâu) diệt côn trùng; phòng pha chế và đóng chai; phòng bảo quản thuốc. Bên cạnh đó là cung cấp dịch vụ tư vấn nông nghiệp với diện tích mặt bằng 500m2 và hệ thống kho bảo quản thực phẩm với diện tích mặt bằng 4.000m2 đáp ứng nhu cầu của trung tâm.
Với một dự án quy mô như vậy, thì kinh phí và thời gian xây dựng là trong bao lâu?
Theo tính toán, dự án sẽ được triển khai làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 3 năm. Tổng diện tích mặt bằng dự án vào khoảng 38.500 m2, kinh phí cho xây dựng và mua trang thiết bị sẽ vào khoảng 40 tỷ đồng, nguồn vốn lưu động khoảng 5 tỷ đồng.
Đây là số vốn rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta. Với tiềm năng cũng như tính khả thi của mô hình này, hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tôi sẽ sẵn sàng tư vấn kế hoạch cụ thể, cũng như chuyển giao kỹ thuật công nghệ để mô hình Trung tâm Công nghệ sạch này được nhân rộng khắp các tỉnh thành, mở ra nguồn cung rau quả sạch cho mọi người dân.
Cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!
Thanh Tâm thực hiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã