Sau khi kết thúc công việc ruộng đồng, khoảng 16h chiều, người dân sống ven sông Trà Khúc ở xã Tịnh Hà kéo nhau ra bãi bồi đào hầm cát gieo đậu xanh hoặc đậu đen làm giá đỗ.
Theo chị Hồng, trung bình mỗi ngày vợ chồng chị đào khoảng 30 hầm cát để gieo đậu xanh (mỗi hầm rộng khoảng 3 gang, sâu cũng 3 gang) để gieo khoảng 1 kg đậu xanh theo nhiều lớp khác nhau.
Ông Lê Văn Sang (ngụ xã Tịnh Hà) cho hay cứ gieo một lớp đậu xuống hầm thì khỏa lấp một lớp cát bên trên. Sau khi hoàn tất công đoạn gieo đậu, bề mặt hầm cát được khoanh tròn tạo rãnh để tưới nước tạo độ ẩm cho giá nhanh chóng phát triển. Sau khoảng 4 ngày đêm gieo hạt đậu xuống hố cát thì có thể thu hoạch giá mang ra chợ bán.
Người dân tưới nước trên bề mặt hầm cát sau khi gieo đậu. Hơn 25 năm gắn bó với nghề làm giá đỗ sạch, bà Võ Thị Hồng (ngụ thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà), cho biết ngoại trừ những ngày mưa lớn, dân làng ven sông nơi đây thường xuyên ra bãi bồi đào hầm cát làm giá đỗ.
Họ nghĩ cách cắt đôi những thùng phuy cũ đặt trên bãi làm giá đỗ sạch phòng tránh mưa lớn gây thiệt hại.
Bà Phạm Thị Văn (ngụ xã Tịnh Hà) ghi tên mình kèm theo số thứ tự trên thành thùng phuy làm giá đỗ ở bãi bồi sông Trà Khúc phòng khi mưa lũ cuốn trôi hy vọng tìm lại tài sản.
Bà Văn lý giải làm giá đỗ trong thùng phuy vừa đảm bảo cọng giá phát triển tốt vừa giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ.
Giá đỗ nảy mầm ở bãi bồi sông Trà Khúc. Hàng ngày tùy theo điều kiện, mỗi hộ dân nơi đây có thể thu hoạch từ vài chục ký đến 300 kg giá đỗ sạch
Sau khi vớt giá từ dưới hố lên, người dân dùng rổ tre sẩy đều loại bỏ cát bám vào thân cây giá. Theo các lão nông địa phương, nhờ trồng ở bãi cát tự nhiên ven sông Trà (không sử dụng hóa chất) nên cây giá đỗ nơi đây sạch, ngọt, hương thơm đặc biệt được người dân ở nhiều tỉnh khu vực miền Trung ưa chuộng.
Người dân đào hố cát rộng rồi lót phủ bạt chống thấm, sau đó bơm nước vào để rửa sạch giá đỗ ngay tại bãi bồi ven sông Trà. "Những năm gần đây, các món hủ tiếu, mì, phở, bún... đắt khách, nhất là vào mùa lễ, tết giá đỗ ở địa phương được thị trường tiêu thụ mạnh gấp nhiều lần so với ngày thường nên chúng tôi có thu nhập cao hơn trước", bà Trần Thị Hạnh (ngụ xã Tịnh Hà) chia sẻ.
Để kịp bán sỉ cho các chợ đầu mối, từ 23h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau (tùy theo hoàn cảnh), người dân ra bãi bồi thu hoạch giá đỗ để bán cho thương lái đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà), chia sẻ làm giá đỗ phải thức khuya dậy sớm cơ cực nhưng bù lại 1 kg giá đỗ giá thị trường hiện nay khoảng 7.000 đồng thì mỗi gia đình có thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi ngày.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Đình, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà, cho hay gần 200 người dân ở thôn Trường Xuân và Thọ Lộc Tây gắn bó với nghề làm giá đỗ sạch trên bãi bồi sông Trà Khúc suốt nhiều năm qua. Sau khi kết thúc công việc đồng áng, người dân địa phương tận dụng thời gian nông nhàn thường ra ven sông đào hầm, hố cát gieo đậu làm giá đỗ sạch mang về thu nhập cao cho gia đình. Những lúc cao điểm, có hộ dân thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi ngày nhờ bán giá đỗ sạch ở chợ đầu mối của tỉnh. Chính quyền xã Tịnh Hà đã quy hoạch bãi cát ven sông Trà Khúc (gần thôn Thọ Lộc Tây) khuyến khích bà con tiếp tục làm giá đỗ sạch đáp ứng nhu cầu thị trường người tiêu dùng vừa góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho người dân địa phương. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã