Học tập đạo đức HCM

Khắc phục cho rau màu khi mưa ẩm kéo dài

Thứ tư - 11/03/2015 22:28
Để giảm thiểu sự thiệt hại trên do thời tiết gây ra cho rau màu, xin khuyến cáo nông dân cần khẩn trương tác động một số biện pháp kỹ thuật tích cực...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn TƯ, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh suy yếu, kết hợp với tác động của dòng chảy xiết trên cao nên phía đông Bắc bộ có mưa nhỏ, mưa phùn rải rác. Hiện tượng này đã kéo dài trong suốt nhiều ngày qua.
Đây là nguyên nhân tác động đến rau màu theo chiều hướng song song hai mặt (lợi và hại). Thuận lợi là mưa ẩm sẽ làm rau màu phát triển thân lá nhanh hơn, dinh dưỡng phân giải tốt nên cây hấp thu nhanh. Lượng nước được đảm bảo nên nông dân không cần tưới dưỡng cho rau màu. Song những bất lợi lại không hề nhỏ là mưa ẩm kéo dài, cùng với lượng đạm được bón, cây rau sẽ phát triển thân lá nhanh, các bộ phận này lại mềm và mỏng.
Song song thời tiết có độ ẩm không khí luôn cao > 90% là điều kiện tối thích để vi khuẩn và nấm bệnh phát sinh gây hại mạnh cây trồng, nhất là các loại nấm như sương mai, lở cổ rễ, thối gốc mốc trắng, hay thối rễ cây rau màu…Các loài vi khuẩn gây thối nhũn, thối đốt cũng gây hại nhiều làm cho rau màu có nguy cơ bị xóa sổ cả ruộng, cả cánh đồng chỉ trong một thời gian ngắn. 
Đây là nguy cơ gây thiệt hại hàng trăm ha rau màu vùng ĐBSH ở vụ xuân 2014 khi mưa ẩm kéo dài gần 2 tháng khiến cho nông dân không thể trở tay hay xoay xở đành để rau màu chết rạc chờ thời tiết thay đổi rồi phát triển lứa rau khác.
Để giảm thiểu sự thiệt hại trên do thời tiết gây ra cho rau màu, xin khuyến cáo nông dân cần khẩn trương tác động một số biện pháp kỹ thuật tích cực như sau:
+ Hạn chế lượng nước thừa trong ruộng: Với cách làm như nạo vét dõng luống rau, khơi thông mương máng, thậm chí là đào hố sâu 1 m3 ở 2 hay 4 góc ruộng tùy theo mức độ ẩm rồi múc nước thừa đổ ra mương máng hay rắc tro bếp nguội lên phía trên mặt luống rau… sẽ làm cho lượng nước thừa trong luống rau được giảm thiểu, cây rau vì thế mà cứng cáp hơn, chống đỡ tốt hơn.
Đối với các cây rau màu mới trồng, nếu luống đất bị rí rẽ có thể xới nhẹ phá váng. Tuyệt đối không được xới phá váng cho các cây trồng đã có bộ rễ phát triển mạnh sẽ làm cây bị bệnh thối rễ nhanh chóng vì rễ bị xây xát.
+ Bổ sung dinh dưỡng lân, kali và canxi dễ tiêu cho rau màu: Đây là các chất dinh dưỡng giúp thân lá rễ rau màu được cứng chắc hơn, bộ rễ phát triển nhanh, rộng dài hơn. Đồng nghĩa rằng rau màu sẽ chống chịu (đề kháng) tốt hơn trước áp lực của sâu bệnh hại.
* Lưu ý: Khi sử dụng các dinh dưỡng này nông dân nên lựa chọn các chế phẩm phân dễ tiêu để rau màu hấp thu được nhanh và thuận lợi. Nên sử dụng phân kali trắng (kalisunphat) thay cho kali đỏ (kaliclorua); dùng chế phẩm siêu lân thay cho supe lân như nông dân vẫn thường sử dụng.
+ Dùng khung ni lông trắng che cho các loại rau màu ăn thân lá như súp lơ, bắp cải, dưa các loại, rau cải, hành mủa, các loại rau ăn lá khác và các cây màu thân bụi thời kỳ con non (cà chua, ớt, cà các loại...).
Cách làm như sau: Vật liệu làm vòm gồm vật liệu làm khung (sắt đã uốn hoặc vòi tre, nứa bánh tẻ) có chiều dài bằng chiều rộng luống rau. Ni lông trắng 1 lớp có bản rộng, dây buộc và cọc.
Cắm khung vòm sát chân luống, độ sâu 15 - 20 cm; cắm cọc để buộc dây giữ khung vòm và ni lông. Khi căng vòm cần trải ni lông xuống rãnh luống, chiều dài của ni lông phải dài hơn chiều rộng luống, bảo đảm mỗi đầu thừa ra 40 - 50 cm. Cuối cùng là buộc cố định vòm ni lông, từ chân khung vòm bên này sang chân khung vòm bên kia.
Việc làm khung ni lông che chắn cho rau như trên sẽ đảm bảo cho độ ẩm luống rau được hạn chế, thân lá cây trồng không chịu tác động trực tiếp của mưa và sương muối, tán cây luôn được khô ráo nên rất ít bị bệnh, khung che còn làm giảm đáng kể sâu đến đẻ trứng và gây hại.
Nhờ đó chi phí cho việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh rau màu được giảm thiểu và kéo theo nhiều ích lợi khác… Hiệu quả kinh tế của việc làm vòm ni lông che chắn cho rau màu trái vụ đã được thực hiện thành công tại huyện Gia Lộc, vùng rau màu chính của tỉnh Hải Dương.
Thực tế cho thấy, nếu rau màu chìm trong mưa ẩm kéo dài, chịu tác động trực tiếp của thời tiết mà không có che chắn bằng khung che hay nhà lưới thì biện pháp sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh đều không có tác dụng vì lá cây không lúc nào được khô ráo để thuốc phát huy tác dụng.
* Chú ý:
- Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm kéo dài nông dân không nên bón đạm cho rau màu, không tiến hành vặt, tỉa cành lá trên thân cây. Việc làm này diễn ra vô hình chung sẽ làm gia tăng tỷ lệ bệnh trên cây rau màu vì thân lá non yếu hay vết xước đã có trên cây.
- Tuyệt đối không nên phun các chất kích thích sinh trưởng để làm tăng số lần thu hái. Vì làm vậy thân lá rau màu tốt, vóng sẽ nhanh chóng bị bệnh dẫn đến tàn lụi sớm trước áp lực của thời tiết bất lợi như trên.
- Song song với việc làm khung che chắn có thể sử dụng thuốc phòng bệnh nhóm gốc đồng như Boocdo 1%, Coc 85WP, Funguran - OH 50WP, Cuproxat 345SC, Vidoc... phun định kỳ cho rau màu 5 - 7 ngày/lần sẽ có hiệu quả cao hơn mà không cần sử dụng các loại thuốc trị bệnh đắt tiền khác phun nhiều lần như nông dân thường làm.
Có thể bổ sung thêm chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma vào vùng rễ cây trồng để hạn chế các bệnh về rễ và kích thích rễ cây phát triển tốt hơn…
Theo: nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập402
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm400
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại817,716
  • Tổng lượt truy cập90,881,109
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây