Hiện nay, giống khoai tây trồng trên đồng ruộng Phú Thọ và một số tỉnh lân cận được lấy từ 3 nguồn chủ yếu, do người dân tự để giống, nhập khoai tây thương phẩm trên thị trường và từ các đơn vị sản xuất trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các nguồn giống này thường không đảm bảo chất lượng. Những giống đạt tiêu chuẩn thường phải nhập nên giá thành cao, người dân không thể chủ động trong sản xuất.
Nhằm duy trì và phát triển thế mạnh của cây khoai tây, dự án sản xuất giống khoai tây sạch bệnh Solara (xuất xứ từ Đức) bằng phương pháp nuôi cấy mô kết hợp địa canh và khí canh, đồng thời sử dụng củ giống nguyên chủng đã được thử nghiệm ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Năm 2013, Công ty CP Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam bắt đầu đưa giống khoai tây này vào trồng thực nghiệm. Qua các điểm nhân giống thấy, giống khoai tây tạo bằng phương pháp cấy mô sinh trưởng tốt, chống chịu được các bệnh héo xanh, virus, số lượng đạt 30-50 củ/khóm, tăng gấp 10 lần so với phương pháp nhân giống truyền thống. Củ có màu vàng đều, đẹp, chất lượng cao nên bà con có thể chọn để giống cho vụ sau.
PGS.TS. Hoàng Ngọc Thuận (nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Nguyên lý hoạt động của công nghệ này là sản xuất cây mà không cần đất theo cách phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ, sinh trưởng, phát triển. Trong môi trường thoáng khí, dinh dưỡng được hòa vào nước, cứ 15-30 phút hệ thống tưới sẽ tự động phun sương giúp cây sinh trưởng và phát triển. Công nghệ này còn giảm được 90% chi phí nước, 95% phân bón so với phương pháp canh tác truyền thống…
Công ty đã sử dụng giống khoai tây sạch bệnh Solara vào trồng trong nhà khí canh để sản xuất củ giống siêu nguyên chủng; từ đó tiếp tục nhân giống trong nhà màn tạo củ bi và trồng cách ly để tạo ra giống nguyên chủng và giống xác nhận cho sản xuất đại trà. “Bằng phương pháp này, củ thu được cao gấp 9-10 lần so với trồng bằng phương pháp truyền thống’, PGS.TS.Thuận cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, cho biết: Giống khoai tây dân tự để đã xảy ra hiện tượng thời gian sinh trưởng rút ngắn, thân rớt, lá nhỏ, nấm bệnh hại nặng, đặc biệt là bệnh héo xanh. Trong khi đó, giống khoai tây nhập ngoại có giá thành cao. Để tháo gỡ khó khăn này, Công ty đã thực hiện dự án sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh.
“Dự án có nhiều ưu điểm như giúp chủ động sản xuất được giống sạch bệnh mà không phải nhập ngoại. Thứ hai, tiết kiệm nguồn ngoại tệ. Thứ ba, chủ động nguồn giống, cần là có, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng. Đặc biệt, giải quyết triệt để căn bệnh héo xanh, vốn rất nhức nhối trên cây khoai tây. Khi trồng trên đồng ruộng Phú Thọ, giống khoai tây này đã được người dân đánh giá rất cao bởi năng suất tốt và sạch bệnh”, bà Tâm nói.
Cũng theo bà Tâm, để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận giống khoai tây sạch bệnh, ổn định về nguồn giống, tạo điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, Công ty cũng cam kết hỗ trợ giống cho người dân, đồng thời hướng dẫn quy trình trồng cũng như thu mua củ đạt tiêu chuẩn làm giống. Mục tiêu của Công ty là nhân rộng mô hình đến nhiều tỉnh, trong đó chú trọng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Trâm Anh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã