Học tập đạo đức HCM

Lạc giảm giá, nông dân lao đao

Thứ hai - 05/08/2013 09:46
Những năm trước, lạc (đậu phộng) không chỉ cho năng suất cao mà giá bán tương đối ổn định nên cuộc sống của người dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) luôn khấm khá. Thế nhưng năm nay, lạc giảm giá liên tục, thị trường tiêu thụ khó khăn khiến bà con lâm vào cảnh lao đao.

Vụ xuân 2013, gia đình bà Phan Thị Duệ ở xóm 12, xã Diễn Thịnh gieo trồng 9 sào lạc nhưng do lạc ra hoa kết củ gặp lúc thời tiết không thuận lợi nên năng suất giảm mạnh, tính ra chỉ thu được hơn 1 tấn củ. Bà Duệ cho biết: “Năm nay, giá lạc khô bằng giá lạc tươi năm ngoái, chỉ đạt 18.000 đồng/kg trong khi năm ngoái là 25.000 đồng/kg nên tôi chưa muốn bán. Nhưng không bán thì không biết lấy đâu ra tiền để trả chi phí vật tư nông nghiệp đã ứng từ đầu vụ. May nhà tôi có đủ lao động để làm, như mấy nhà hàng xóm phải thuê người thì với giá lạc thấp như ri coi như lỗ vốn”. 

Theo ông Cao Hiếu, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh: Vụ xuân vừa rồi, toàn xã gieo trồng 430ha lạc, năng suất bình quân đạt hơn 160 kg/sào. Tuy nhiên, giá lạc lại không ổn định. Nếu như tháng 11- 12/2012, lạc nhân có giá 42.000 - 45.000 đồng/kg, lạc củ 30.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 25.000 đồng/kg đối với lạc nhân và 18.000 - 20.000 đồng/kg lạc củ. “Không riêng gì Diễn Thịnh mà các vùng trồng lạc khác cũng đều phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Cả xã có 2.779 hộ thì 1/3 trong số đó chuyên kinh doanh lạc. Do đầu ra không ổn định nên bà con đang gặp nhiều khó khăn”, ông Hiếu nói.

Diễn Thành cũng là địa phương có diện tích lạc thuộc loại lớn của huyện Diễn Châu. Trong vụ xuân vừa qua, toàn xã gieo trồng 187ha lạc với năng suất bình quân 2,5 tấn/ha. Theo khảo sát của chúng tôi, tình hình thu mua tại 12 đại lý lớn rất chậm, giá giảm. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một chủ đại lý cho biết, do thị trường tiêu thụ (chủ yếu là Trung Quốc) rất kém, sức mua hạn chế nhiều so với năm trước.

Các doanh nghiệp thu mua lạc cũng hết sức lo lắng. Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng, xã Diễn Thịnh cho hay: “Mỗi năm chúng tôi bán khoảng 2.000 tấn lạc cho các doanh nghiệp, thương lái ở phía Bắc rồi họ mới chuyển sang bán cho tư thương Trung Quốc. Năm nay, đã vào vụ thu mua hơn 10 ngày nhưng tôi mới bán được 100 tấn. Cũng vì giá thấp nên lượng mua vào mới ít như vậy. Sản phẩm tiêu thụ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Bực nhất là có những chuyến hàng mình đã định giá trước nhưng họ vẫn viện đủ lý do để hạ giá tiếp”. 

Chị Cao Thị Năm, chủ đại lý thu mua lạc ở xóm 9, xã Diễn Thành cho biết thêm: “Tôi làm nghề buôn bán lạc đã lâu nhưng chưa năm nào thấy tình hình tiêu thụ kém như năm nay. Mọi năm, chúng tôi tiêu thụ khoảng vài ngàn tấn lạc nhưng năm nay chỉ xuất được khoảng 200 tấn. Thị trường Trung Quốc quá bấp bênh, họ liên tục ép giá. Nhiều chuyến hàng chúng tôi đã định giá trước nhưng khi giao hàng, họ xem qua rồi hạ tiếp. Biết là lỗ nhưng vẫn phải bán, chẳng lẽ đưa hàng về. Tôi nghĩ do Trung Quốc là thị trường lớn, sức mua lớn, trong khi chúng ta quá phụ thuộc vào họ nên họ lợi dụng để ép giá”.

Có lẽ khổ nhất vẫn là người nông dân. Bởi với tiểu thương, giá lạc thấp thì mua thấp và bán thấp, họ chỉ ăn tiền chênh lệch giá. Vì vậy việc ổn định thị trường tiêu thụ là điều rất quan trọng. Chị Năm cho rằng: “Chúng tôi rất muốn có đầu ra ổn định nhưng khó khăn lắm. Xã, huyện không giúp được gì nên mạnh ai nấy làm, ở đâu giá cao thì mình bán”. Trong khi đó, lãnh đạo một số xã cho hay: Vấn đề đầu ra cho sản phẩm lạc vượt ngoài khả năng của địa phương. 

Theo thống kê của Phòng Công Thương huyện Diễn Châu, diện tích lạc vụ xuân trên địa bàn là hơn 3.200ha, vụ đông 320ha. Các xã có diện tích lạc lớn là Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Kỷ ... 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tuấn Anh, chuyên viên Phòng Công Thương huyện cho biết: “Hồi đầu vụ chưa có thị trường xuất khẩu, sau này có một số doanh nghiệp ngoài Bắc vào thu mua nhưng cũng bán lại cho thương nhân Trung Quốc. Hiện giờ, việc thu mua lạc rất cầm chừng, chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Việc bù giá, trợ giá là không có nên người dân đang gặp nhiều khó khăn. Hiện chúng tôi cũng đang tìm giải pháp để giúp người dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm”.

Phạm Thắng
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập314
  • Hôm nay45,558
  • Tháng hiện tại750,671
  • Tổng lượt truy cập90,814,064
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây