Nhiều người dân tại một số huyện như Văn Lãng, Bình Gia, Văn Quan... cho biết, tại địa phương đang xuất hiện bệnh dịch lạ khiến nhiều đàn lợn chết hàng loạt. Mặc dù có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, nhưng họ chưa bao giờ gặp bệnh lạ này trên đàn lợn.
Biểu hiện ban đầu là lợn ăn ít dần, sau đó ngoài da phát ban đỏ, bầm tím toàn thân, nhiều con có hiện tượng sùi bọt mép, nôn ra máu. Khi mổ thì nội tạng bên trong có dấu hiệu thối rữa…
Lợn chết được bà con đem tiêu hủy và đổ vôi bột xử lý.
Chị Đổng Thu Hiền (huyện Văn Quan), một hộ dân chăn nuôi cho biết: Đàn lợn của gia đình tôi vừa bị chết gần 200 con mà không biết nguyên nhân hay dịch bệnh gì. Lứa lợn này tôi mới mua gom lại từ những hộ dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng... Sau 1 tháng chăm sóc, đàn lợn phát triển bình thường và sức ăn rất tốt. Nhưng vào khoảng đầu tháng 9, đàn lợn tự nhiên chán ăn. Từ đó đến nay, mỗi ngày đàn lợn chết từ vài con đến vài chục con.
Theo chị Hiền, những con lợn này đều bị phát ban đỏ ngoài da, nôn ra máu và sùi bọt mép… Khi mổ ra kiểm tra thì thấy nội tạng bên trong nóng, có dấu hiệu thối rữa, các cơ quan như phổi, gan sậm màu…
Lợn chết vì bệnh lạ khiến người chăn nuôi tại địa phương đang vô cùng lo lắng.
Lợn bị bệnh đổi màu da tím ngắt
Đàn lợn này có cân nặng trung bình khoảng 47kg/con, với gần 200 con lợn bị chết trong vòng 1 tháng đã gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế của gia đình chị Hiền. "Chúng tôi cũng đang rất lo lắng, hoang mang, không biết có phải dịch tả lợn châu Phi đã vượt biên giới Trung Quốc xâm nhập vào địa phương hay không?" - chị Hiền đặt câu hỏi.
Chị Hiền cũng cho biết, dù đã chăn nuôi nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên chị thấy bệnh lạ này trên đàn lợn và cũng đã báo cho thú y địa phương. Bệnh lạ này sức lây lan nhanh và không thể chữa khỏi, gia đình chị đã mất hơn 40 triệu đồng tiền thuốc để chữa nhưng số lợn vẫn chết. Lo lắng bệnh dịch lây lan rộng nên chị Hiền đem số lợn chết chuyển xuống hầm biogas và đổ vôi xử lý, tránh lây lan bệnh ra các đàn lợn khác.
Ngoài ra, chị Hiền còn cho biết thêm, dịch bệnh chỉ xuất hiện trên những con lợn chị thu mua lại từ người dân và không được tiêm phòng đầy đủ. Đối với những con lợn do lợn nái của gia đình sinh sản, tiêm phòng vaccine đầy đủ thì vẫn khỏe mạnh bình thường.
Nội tạng bên trong con lợn nhiễm bệnh có dấu hiệu thối rữa... Bệnh dịch đang có nguy cơ tiếp tục lây lan gây ảnh hưởng lớn tới người chăn nuôi.
Bà Hứa Thi Sao (huyện Văn Quan) cho biết: "Nghe nhiều người nói về tình trạng lợn chết trên địa bàn, tôi thấy rất lo và hoang mang. Hiện đàn lợn hơn 10 con của gia đình đang được chăm sóc tốt, quây bạt kín chuồng trại, tắm rửa sạch sẽ và đặc biệt là không sử dụng nước thừa trong nấu ăn hàng ngày để tránh tình trạng bệnh dịch lây lan qua thực phẩm, thịt lợn sử dụng trong các bữa ăn của gia đình".
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập. Đơn vị chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra giám sát và lấy mẫu. Hiện tại, Chi cục cũng chưa nhận được báo cáo từ địa phương về tình trạng lợn chết không rõ nguyên nhân. Tại nhiều xã, huyện, hiện cũng đã có tình trạng gia súc (lợn) chết nhưng đều nắm được nguyên nhân cụ thể. Chúng tôi sẽ cử người đến xác minh nguyên nhân lợn chết tại một số hộ dân như phản ánh và sẽ thông tin lại quý Báo".
Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn kiểm tra tại địa phương.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến 10.9.2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.
Cũng theo Tổ chức Thú y tế giới và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ đầu tháng 8.2018 đến 9.9.2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta là rất cao thông qua các hoạt động: vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có chăn nuôi lợn với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện tại sân bay đến của Hàn Quốc) cũng có thể đưa vi rút bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay việc nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan và địa phương cần tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập qua biên giới vào nội địa. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã